Khẳng định vị thế môn lịch sử trong nhà trường

08:45, 30/03/2008

Dạy và học môn lịch sử trong nhà trường phổ thông đang là vấn đề đáng quan tâm bấy lâu nay nhất là qua kết quả rất thấp của kỳ thi đại học, cao đẳng và tốt nghiệp THPT. Ðã đến lúc cần nghiêm túc đánh giá thực trạng, tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục.

Một cuộc hội thảo của các nhà khoa học, quản lý, các nhà giáo tâm huyết với việc dạy học môn sử do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp Viện Bảo tàng Cách mạng, Bộ Giáo dục và Ðào tạo vừa tổ chức mới đây cũng nhằm mục đích đó.

 

 

Khôi phục lại vị thế môn lịch sử

 

Thực tế cho thấy, lịch sử không chỉ là môn học truyền thụ kiến thức mà quan trọng hơn, góp phần xây dựng nhân cách cho mọi thế hệ thanh, thiếu niên. Vậy mà, hiện tại, môn lịch sử vẫn chỉ được coi là môn học phụ. Cụ thể, trong chương trình giáo dục phổ thông, ngành giáo dục - đào tạo quy định có năm tổ chức thi, năm không thi môn lịch sử tại kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ðã vậy, nhiều nơi còn cắt xén chương trình và dạy dồn giờ để dành thời gian cho các "môn chính".

 

Khi được hỏi về nguyên nhân giảm sút chất lượng dạy và học môn lịch sử, 49,19% số giáo viên cho rằng, do môn sử chưa được các nhà quản lý giáo dục trong nhà trường chú trọng đúng mức với vị trí cần có. PGS, TS Lê Văn Anh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Huế cũng như Thạc sĩ Bùi Kim Huệ (Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn, TP Ðà Nẵng) cho biết: Hiện nay, từ học sinh đến gia đình, nhà trường và xã hội đều có thái độ chưa đúng về môn lịch sử, phần lớn xem đây là môn phụ, không thể giúp học sinh có tương lai tươi sáng.

 

PGS,TS Ngô Minh Danh (Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) còn bức xúc hơn: Môn sử bị coi nhẹ, những người dạy sử không được tôn trọng. Nhiều thầy, cô giáo bất bình về việc đánh giá thiếu công bằng giữa giáo viên dạy sử với giáo viên các môn khác trong việc cân nhắc, đề bạt hay bình xét các danh hiệu thi đua.

 

Cũng từ thực tế việc giảng dạy môn lịch sử, Ths Nguyễn Kim Tường Vi (Giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền, TP Hồ Chí Minh) than rằng: Tâm lý xem thường các môn khoa học xã hội thể hiện rất rõ trong tư duy các nhà quản lý giáo dục. Thậm chí có lãnh đạo nhà trường xem ba giải nhất môn sử, địa không bằng một giải ba môn toán, lý, hóa trong các kỳ thi học sinh giỏi.

 

 Ðã đến lúc các nhà quản lý, các thầy giáo, cô giáo, học sinh cũng như toàn xã hội cần thay đổi quan niệm nhận thức; đánh giá đúng và trả lại tên, trả lại vị trí quan trọng cho môn học này trong hệ thống chương trình giảng dạy, học tập bậc phổ thông. Và nói như GS, NGND Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thì khôi phục vị trí môn sử, phát huy chức năng môn sử, nâng cao chất lượng dạy và học môn sử trong nền giáo dục phổ thông cũng có trách nhiệm to lớn của giới sử học nước nhà.

 

 

Ðổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy

 

Công bằng mà nói, những năm gần đây, chương trình và sách giáo khoa môn sử đã có những bước cải tiến đáng kể cả về nội dung lẫn hình thức. Tuy nhiên, trước thực trạng khả năng của học sinh học sử ngày càng tụt hậu, cho thấy cần có sự chỉnh sửa với mục tiêu chính là mạnh dạn biên soạn lại chương trình phù hợp tâm lý, lứa tuổi của học sinh phổ thông. Mỗi khi có chương trình hợp lý và ổn định thì sẽ có sách giáo khoa tốt.

 

PGS, TS Vũ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường đại học KHXH và NV (ÐH QG TP Hồ Chí Minh) kiến nghị: Ðã đến lúc cần rà soát lại khung chương trình, nội dung kiến thức theo hướng giảm tải, điều chỉnh cơ cấu để tăng cường thời gian học tập một số môn quan trọng, trong đó có môn lịch sử.

 

GS Vũ Dương Ninh (ÐHQG Hà Nội) cho rằng: "Cần xây dựng lại chương trình một cách mạnh dạn, cơ bản, tinh giản và phù hợp lứa tuổi thì mới có thể tạo nên bước chuyển biến thật sự. Có lẽ nên nhắc lại phương châm "thà ít mà tốt", làm cho học sinh học ít nhưng hiểu và nhớ được còn hơn học nhiều mà chẳng hiểu bao nhiêu, thậm chí hiểu sai, viết sai thì mặt phản tác dụng còn tai hại hơn".

 

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các kiến thức cơ bản được trình bày một cách đơn giản nhất, gần gũi và lợi ích thiết thực nhất. Trên cơ sở chương trình đã thay đổi và được ổn định mới tổ chức viết sách giáo khoa. Cần lựa chọn tác giả là những người giỏi về chuyên môn, nhiều kinh nghiệm sư phạm.

 

Ðể khắc phục, bên cạnh phương pháp dạy truyền thống, giáo viên phải sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại kết hợp với các hình ảnh minh họa. Tăng cường các giờ trao đổi thảo luận ra bài tập cho học sinh nhằm tăng tính chủ động, tìm tòi học hỏi và niềm say mê của các học sinh đối với môn lịch sử. Ngoài ra, giáo viên nên tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm tạo hứng thú và sự hiểu biết của học sinh.

 

TS Tưởng Phi Ngọ (Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Nếu cần phải làm một cuộc cách mạng trong dạy học lịch sử ở trường THPT, điều đầu tiên cần làm là "cởi trói" cho giáo viên, tức là tăng thời gian cho bộ môn. Ðừng sợ điều này làm con em mình thêm nặng nề, bởi vì tăng thời gian ở đây không phải đổ thêm kiến thức vào đầu học sinh mà hướng dẫn các em làm bài tập thực hành nhận thức, tập dượt các kỹ năng phân tích, tổng hợp, khái quát, so sánh..., giúp các em phát huy khả năng độc lập suy nghĩ, phản ứng linh hoạt với mọi tình huống.

 

 

Chú trọng đội ngũ giáo viên

 

Không thể phủ nhận, đội ngũ giáo viên là một trong những yếu tố then chốt, có tính chất đột phá trong việc nâng cao chất lượng dạy và học môn lịch sử. Vì vậy yêu cầu đặt ra hết sức cấp bách là xây dựng một đội ngũ giáo viên đạt chuẩn không chỉ đáp ứng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Ngoài tri thức và hiểu biết sâu rộng, người giáo viên để dạy tốt, nhất là môn lịch sử phải có phương pháp giảng dạy, có cách thức truyền thụ tốt.

 

Thạc sĩ Thái Thị Thanh Thủy (Trường đại học Khoa học Huế) thừa nhận: Chất lượng dạy học phụ thuộc rất lớn vào năng lực trình độ người thầy. Người thầy giáo có năng lực truyền thụ tốt, có kiến thức chuyên môn vững tạo ra sự hứng khởi và thích thú trong học sinh, làm cho học sinh say mê học tập. Mặt khác, để nâng cao chất lượng dạy môn lịch sử cần rà soát lại đội ngũ giáo viên. Nên chăng, hằng năm cần có sự tổ chức đánh giá, phân loại giáo viên thông qua tổ chức dự giờ, thăm lớp và lấy ý kiến của học sinh đối với người thầy.

 

Vai trò hệ thống các trường đại học, cao đẳng sư phạm đào tạo ra đội ngũ giáo viên dạy lịch sử cũng hết sức quan trọng. Khi các trường đào tạo ra đội ngũ người thầy chuẩn mực về đạo đức, vững vàng về chuyên môn, từ đó các thế hệ học trò sẽ tiếp nhận được tấm gương sư phạm và nội dung khoa học từ người thầy. Rõ ràng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy môn lịch sử ở trường phổ thông cần được quan tâm từ nhiều phía, từ dư luận xã hội đối với giáo viên sử, vị thế của họ trong xã hội cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần; nhất là công tác đào tạo trong các trường sư phạm và cả trong quá trình công tác.