Môn Lịch sử chưa hấp dẫn do thầy và SGK

14:38, 27/03/2008

Có rất nhiều ý kiến lý giải vì sao điểm số trung bình của môn LS hiện là thấp nhất so với các môn học khác, học sinh không tha thiết với môn học, nhưng phần lớn đều cho rằng là do chương trình, SGK và thầy dạy môn học. Đó là quan điểm của nhiều nhà sử học, giáo viên, giảng viên, tại Hội thảo khoa học Thực trạng việc dạy và học  LS trong trường phổ thông - Nguyên nhân và giải pháp vừa được tổ chức ngày 27/3.

Những con số đáng buồn

 

Theo Phổ điểm môn  LS khối C năm 2007 do Cục Công nghệ thông tin Bộ GD&ĐT cung cấp thì có tới 150.234 HS có điểm sử dưới 4,5 điểm, chiếm 95,74%. Có 5.908 HS bị điểm liệt, chỉ có 17 thí sinh được điểm 9, 17 thí sinh được điểm 8,5.

 

Điểm số trung bình của môn LS hiện là thấp nhất so với các môn khác: 2,09 điểm. Trong khi đó, các môn Toán là 3,65điểm, Hóa là 4,49 điểm, Lý là 5,19 điểm, Văn là 4,41 điểm.

 

Có rất nhiều nguyên nhân được đề cập đến, giải thích cho những con số khủng khiếp này. Phần lớn những lo lắng được đặt ra trước CT và SGK của môn LS hiện nay.

 

TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Khoa học  LS TP HCM cho rằng: SGK nên có những thay đổi vì hiện nay có quá nhiều thuật ngữ, có quá nhiều bài học như những bài xã luận trên báo, hay quá rập khuôn một bộ chính sử. SGK  LS hiện nay khô khan bởi mới chỉ dừng lại ở chiến tranh, trong khi đó,  LS văn hóa,  LS kinh tế,  LS xây dựng nước lại chưa được đề cập đủ mạnh.

 

GS.NGND Vũ Dương Ninh, ĐH Quốc gia Hà Nội lại cho rằng bản thân CT và SGK quá nặng. Quá trình  LS dài hàng ngàn năm, chúng ta không bỏ một năm nào, một sự kiện nào. Toàn diện thì lại không có điểm nhấn. Ông cũng cho rằng những gì dạy trong nhà trường chẳng mấy ăn nhập với xã hội đang phát triển bên ngoài, không có sự ăn khớp khiến HS học cứ học, xã hội cứ phát triển theo cách của mình. Chính vì vậy, học LS nhưng HS cảm thấy xa lạ và chẳng cần thiết cho cuộc sống của mình.

 

Bản thân GS. NGND Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch hội Khoa học  LS Việt Nam, chủ biên rất nhiều SGK  LS hiện nay cũng thừa nhận mình là "thủ phạm" làm ra những quyển sách vừa dày đặc các sự kiện có từ 2000 năm trước, một  LS chỉ toàn chiến tranh và chiến công, của những con số khó nhớ và dài dằng dặc... Nhưng ông cũng "bó tay" vì viết SGK phải phụ thuộc vào CT. Hay nói cách khác, sản phẩm chưa tốt của SGK  LS hiện nay đang là hệ quả tất yếu của một CT chưa tốt, chưa khoa học, chưa ổn định.

 

Cũng có một quan điểm khác cho rằng  LS đang viết trong SGK là quá tùy tiện. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: Bây giờ giảng dạy  LS chỉ toàn giảng dạy về chiến công, về chiến tranh. Đây là điều có thực, nhưng chiến tranh chỉ là một khoảnh khắc của  LS. Ngoài ra, sự tùy tiện trong cách viết sử thể hiện rất rõ.

 

GS Vũ Đăng Ninh cũng đồng quan điểm về việc viết sách LS còn thiên lệch:  LS bao giờ cũng có 2 mặt: đấu tranh giữ nước và xây dựng đất nước. Sách  LS chúng ta hiện đang đi rất sâu vào chiến tranh, còn  LS xây dựng, chúng ta viết còn rất hời hợt. Đời Trần đánh nhau xong cũng phải dựng nước chứ, thời Lê cũng vậy. Bao giờ ta đánh nhau xong cũng phải xây dựng đất nước. Tuy mỗi thời đại một khác, nhưng trong thời bình,  LS cũng phải toát lên điều đó. Chúng ta đã bắt đầu bàn đến kinh tế xã hội rồi, nhưng chưa toát lên được tinh thần, chưa thấm đến mức rung động đến HS, giúp các em thấy đó là điều cần thiết.

 

Lạc quan hơn, GS Văn Như Cương cho rằng điểm trung bình môn Sử trên 2 không có gì là lo ngại, là khủng khiếp lắm. So với việc học  LS ở nhiều nước khác, như ở Mỹ, 60% HS không trả lời được câu hỏi ai viết tuyên ngôn độc lập của Mỹ. Nhưng ở Việt Nam thì câu hỏi này phải là trên 90%. Vấn đề là đánh giá HS học sử dốt theo tiêu chí nào? HS học sử không phải đi viết sử, nghiên cứu  LS mà là để trang bị "phông" văn hóa của mình. Cũng không thể đánh giá việc giỏi hay dốt sử dựa trên tiêu chí kiếm sống. Học CNTT, Tiếng Anh là để kiếm sống thực sự. Nhưng không thể đặt mục đích kiếm tiền khi đi học sử. Do vậy cách học phải khác. Và cách đánh giá cũng phải khác.

 

GS Văn Như Cường còn cho rằng, có khối môn HS còn học chán chường hơn là học môn sử. Ví như môn Thể dục. HS thích vận động, thích đá bóng chứ không thích một tiết thể dục chỉ khua chân múa tay.

 

Nhiều nguyên nhân, nhiều giải pháp

 

Mỗi một nhà khoa học đưa ra một nguyên nhân đều có vài giải pháp đi kèm. Từ việc đổi mới CT, tinh giản SGK, kéo dài thời lượng học đến việc phải dạy cái gì trong 1,5 tiết/1 tuần đó. Có nhà giáo còn đưa ra dẫn chứng là chúng ta nên bỏ cái gì trong SGK, nên thêm phần  LS văn hóa, xây dựng đất nước thời bình vào trong SGK...

 

Nhưng việc nâng cao chất lượng người thầy vấn là vấn đề quan trọng được nhiều người đề cập đến. Một người thầy không truyền được lòng say mê vào HS, thì môn LS sẽ vấn là khô khan. Thế nhưng, trình độ giáo viên vẫn rất đáng lo ngại. Theo GS Ninh thì tình trạng này đang phải gọi là suy nhược toàn thân, khi thế hệ đang học các môn thuộc khối xã hội, sẽ là giáo viên sau này, phần lớn là những HS không thể theo các khối khác, mới chuyển sang học khối C.

 

Cho rằng, việc dạy và học môn LS hiện nay không phải nằm trong khuôn viên nhà trường, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, đó là do tầm nhìn của các nhà lãnh đạo! "Quốc gia nào cũng cần giữ bản sắc của mình, nếu không, khi hòa nhập là mất. Đây là lợi ích chính trị. Các nhà lãnh đạo đất nước cần nhìn nhận, LS là một nhân tố quan trọng, trong vấn đề xây dựng nhân cách cho giới trẻ, và giới trẻ là người lãnh đạo trong tương lai."