Cần một cuộc cải cách giáo dục toàn diện

14:10, 11/04/2008

Giáo dục chất lượng thấp, gần 30 năm chưa cải cách, sách giáo khoa viết nhằm biến trẻ thành nhà khoa học... là nguyên nhân được các đại thụ dự "Hội nghị Diên Hồng" ngày 10-11/4 chỉ ra và đề nghị cần cuộc cải cách giáo dục toàn diện.

Bà Nguyễn Thị Bình, Nguyên Phó chủ tịch nước, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục: Cần phải có cuộc cải cách giáo dục.

 

Qua 4 cuộc hội thảo, các ý kiến đều nhất trí đi đến cải cách giáo dục. Thực trạng giáo dục hiện nay bất hợp lý, chất lượng thấp kém khiến chúng ta không hài lòng. Bằng chứng là các sản phẩm chúng ta đưa ra xã hội đều có chất lượng không cao. Nhưng điều đó không có nghĩa là phủ nhận công lao của ngành.

 

Yêu cầu của tình hình hiện nay đặt ra cho giáo dục là phải tiến lên vượt bậc. Nếu 2010 chúng ta vượt khỏi ngưỡng nghèo và năm 2020 chúng ta trở thành nước công nghiệp thì ngành giáo dục phải cố gắng rất nhiều. Phải cải cách cơ bản và toàn diện để phù hợp với tình hình hiện nay.

 

Hiện nay có vấn đề về chương trình, nội dung, phương pháp và cách quản lý. Cái yếu không chỉ là đào tạo mà còn là sử dụng nhân lực. Do vậy, cần có đề án tổng thể cho từng bậc học. Nói đến giáo dục phải nói đến chất lượng, không có chất lượng thì giáo dục để làm gì?

 

GS.TS Lương Ngọc Toản, Phó chủ tịch Hội khuyến học VN, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: "chúng ta vẫn dạy những kiến thức cổ lỗ sĩ".

 

Nền giáo dục của ta trước đây phục vụ cho nền kinh tế xã hội kế hoạch hóa tập trung. Nay đất nước chuyển sang kinh tế thị trường nhưng giáo dục vẫn giậm chân tại chỗ, vẫn còn mục tiêu, chương trình theo kiểu cũ. Hiện chưa có chương trình nào đào tạo giúp cho người lao động có thể thích ứng với kinh tế thị trường. Rõ ràng đó là bất hợp lý bởi từ triết lý cho đến mục tiêu giáo dục đều phải đổi mới thì mới có thể thích ứng được.

 

Bên cạnh đó, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, xã hội phát triển nhanh... nhưng hiện chúng ta vẫn dạy những kiến thức cổ lỗ sĩ. Cần phải nhìn ra thế giới, hướng tới tương lai để tiến cùng thời đại, nếu không, giáo dục có lỗi khi không giúp các em đi lên.

 

Chúng ta quá nặng nề về giáo dục chính trị nhưng nhân cách, cách đối nhân xử thế của các em trong xã hội lại không được quan tâm đến nơi đến chốn.

 

Bây giờ, cần đặt ra một cuộc cải cách giáo dục quyết liệt và Thủ tướng phải đứng ra chỉ huy vì đây là sự nghiệp quan trọng nhất. Ngày trước, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đứng ra làm chủ tịch ủy ban cải cách giáo dục.

 

GS Phạm Phụ, ĐH Bách khoa TP HCM: "Cần một ủy ban cải cách giáo dục".

 

Cải cách giáo dục phổ biến trên thế giới trong mấy chục năm qua. Khi dùng những nguyên lý, chính sách cũ mà không còn giải quyết được vấn đề thì cần nghĩ tới cải cách, chứ không hẳn vừa rồi giáo dục thất bại quá nên chúng ta mới phải cải cách. Đây là chuyện bình thường, đương nhiên nhưng quan trọng là biên soạn chiến lược cải cách như thế nào, sự đồng thuận của xã hội ra sao...

 

Trong giáo dục, nếu chỉ nói về sách giáo khoa thì tức là mới nói nửa đường. Phải đi từ triết lý giáo dục, chương trình giáo dục rồi mới đến sách giáo khoa, chứ nói nửa đường không giải quyết được vấn đề.

 

Giáo dục phổ thông chủ yếu là dạy làm người, làm công dân tốt. Nhưng hiện nay, sách giáo khoa môn Toán như là để các em sau này ra làm nhà Toán học. Trong hàng vạn người mới cần một người như vậy. Thế thì sao lại áp dụng cái đó cho hàng triệu em?

 

Cải cách là sự việc toàn dân chứ không hẳn chỉ của những nhà làm chính sách. Tuy nhiên, chọn người đứng đầu ban soạn thảo cải cách này cũng vô cùng quan trọng. Do vậy, cần có một ủy ban cải cách giáo dục.

 

GS Chu Hảo, Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN: "Cần một chiến lược chấn hưng nền giáo dục". 

 

Cải cách giáo dục là yêu cầu cấp thiết, là việc làm thường xuyên của các quốc gia phát triển và đang phát triển. Chúng ta cũng từng tiến hành các cuộc cải cách giáo dục nhưng lại khác xa so với nhiều nước. Họ làm rất có hiệu quả còn ta làm nhưng còn nhiều bất hợp lý.

 

Trong nửa cuối thế kỷ trước, chúng ta tiến hành 4 cuộc cải cách chính thức. Cuộc cải cách đầu tiên năm 1945, ngay sau khi giành được độc lập, với chương trình Việt ngữ hóa giáo trình của tất cả bậc học. Cuộc cải cách lần hai (năm 1950) chuyển từ hệ tú tài phân ban cũ sang hệ phổ thông 9 năm.

 

Sau khi hòa bình lập lại (năm 1956), cuộc cải cách lần 3 chuyển từ hệ phổ thông 9 năm sang hệ phổ thông 10 năm với chương trình và sách giáo khoa các cấp giống như của Liên Xô cũ. Sau ngày thống nhất đất nước, năm 1980, chúng ta bắt đầu cuộc cải cách lần thứ 4 để thống nhất chương trình phổ thông 12 năm trên toàn quốc.

 

Bắt đầu từ thời kỳ Đổi mới đến nay chưa có một cuộc cải cách nào được chuẩn bị một cách có hệ thống và được công bố chính thức. Các đề án đổi mới tiếp theo được Bộ GD&ĐT triển khai vội vã, chắp vá, thiếu khoa học, kém hiệu quả và rất lãng phí...

 

Đến lúc chúng ta phải bình tĩnh nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những "cải cách" và "đổi mới' vừa qua để soạn thảo một chiến lược chấn hưng nền giáo dục nước nhà với một tư duy hoàn toàn mới mẻ. Thomas Edison đã nói một câu bất hủ: "Người ta chẳng bao giờ có thể phát minh ra được đèn điện nếu chỉ chăm chú đến việc cải tiến cái đèn dầu".

 

Ngày 10-11/4, Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam với sự tham gia của các giáo sư, nhà khoa học giáo dục hàng đầu của nước nhà tổ chức hội thảo lần thứ 4 về việc phát triển giáo dục Việt Nam.

 

Tại đây, những nhà giáo dục này kiến nghị thành lập Ủy ban Cải cách giáo dục trực thuộc Thủ tướng để tư vấn cho Thủ tướng trong việc soạn thảo đề án Cải cách giáo dục. Ủy ban này gồm các chuyên gia am hiểu về giáo dục và những lĩnh vực liên quan đến giáo dục, đồng thời, các thành viên cần làm việc với tư cách cá nhân, không đại diện cho bất kỳ tổ chức nào...

 

Đề án Cải cách giáo dục cần được trình Quốc hội xem xét, phê duyệt trước khi kết thúc năm 2010, để triển khai từ năm 2011.