Chất lượng dạy và học môn Lịch sử đang sa sút đến mức báo động khiến nhiều nhà sử học phải vào cuộc. Từng là giáo viên dạy sử, tôi xin có vài lời góp ý
Về chất lượng dạy học môn Lịch sử như hiện nay, trách nhiệm trực tiếp ai cũng có thể quy cho đội ngũ giáo viên. Điều ấy không sai, vì trình độ, vì thiếu “lửa”, vì mặc cảm “thân phận đàn em” của môn học... Nhưng, nhiệm vụ của người dạy học là phải dạy theo chương trình, theo sách giáo khoa và sự chỉ đạo của các cấp. Mà những cái đó đều do các nhà sử học, các nhà lý luận sư phạm bộ môn tạo ra.
Không riêng với các nhà sử học, khi tham gia xây dựng chương trình, ai cũng muốn lớp thế hệ đang ngồi trên ghế nhà trường được đào tạo nghiêm túc, đầy đủ về lĩnh vực của mình. Và, mẫu những nhà giáo dạy lịch sử với những hiểu biết chuyên sâu về quá khứ, về những quy luật biện chứng... đã ảnh hưởng không nhỏ tới đối tượng được đào tạo. Trẻ sẽ trở thành “khổng lồ” về trí tuệ nếu đạt như mong muốn về tất cả các bộ môn. Đó là khi yêu cầu một đứa trẻ lớp 4 tường thuật được trận đánh trên chiến tuyến sông Cầu thời Lý, là yêu cầu trẻ lớp 7 hiểu và nhớ được những thành tựu của nhà Lý về chính trị, kinh tế, văn hóa...
Có thể vai trò của các nhà sư phạm ở đây còn khiêm tốn? Họ đã quên những gì về tâm sinh lý lứa tuổi. Họ có thể quen với nếp nghĩ của người dạy ĐH nên họ cứ đưa vào trường phổ thông những gì sinh viên học, dù có giản lược đi, nhưng không khác nhiều về phương pháp.
Đã đến lúc, chúng ta cần làm một cuộc điều tra xã hội học xem nhu cầu hiểu biết về lịch sử trong các nhà trường để định ra mạng lưới kiến thức, kỹ năng cơ bản cần trang bị cho trẻ. Nhưng mạng lưới kiến thức, kỹ năng đó cần được các nhà sư phạm có kinh nghiệm, hiểu biết về đối tượng giáo dục đưa vào sách giáo khoa một cách phù hợp.
Với trẻ tiểu học, có thể vẫn chỉ là kể chuyện về những con người làm nên lịch sử được sắp xếp theo tiến trình lịch sử dân tộc. Với HS THCS vẫn cần đi bằng con đường cảm tính nhiều hơn lý tính để truyền đạt kiến thức cho HS.
Đó là những câu chuyện mà ở đó kiến thức, quan điểm lịch sử hòa tan trong từng chi tiết, từng con người, dễ giúp HS tiếp nhận bài học, linh hồn của sự kiện hơn là những bài viết có tính hệ thống chặt chẽ, khoa học. Nó sẽ tác động vào trí tưởng tượng, tạo nên sự hình dung sống động và dần in sâu vào trí nhớ, theo cách như Nguyễn Tuân nói về việc tiếp nhận truyện Ăng-đéc-xen của mỗi người ở từng độ tuổi.
Đương nhiên, với những kiến thức, kỹ năng cụ thể, cần có sự kiểm tra, đánh giá khi học... Nhưng cách đánh giá vẫn bằng kiểm tra sự tiếp nhận kiến thức, kỹ năng phổ thông một cách phù hợp với lứa tuổi, với sự phát triển tâm sinh lý...