Kể từ khi thực hiện Cuộc vận động ''Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục'' của Bộ GD-ĐT (năm học 2006-2007) và 2 nội dung bổ sung ''Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp'' (năm học 2007-2008), ngành GD-ĐT Thái Nguyên đã đạt được những kết quả bước đầu. Song vẫn còn nhiều điều đáng bàn...
I- Chuyển biến bước đầu trong nhận thức và hành động
Ngay khi nhận được kế hoạch tổ chức thực hiện Cuộc vận động, ngành GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 15 về thực hiện Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Theo đó, nội dung trọng yếu là làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, giáo viên và toàn xã hội về cuộc vận động; thấy được mục đích, ý nghĩa với việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; đề ra được những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực thực hiện Cuộc vận động. Ngành GD-ĐT đã tổ chức hội nghị triển khai tới toàn bộ lãnh đạo quản lý của tất cả các trường ở các bậc học. Các trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên, học sinh (HS) học tập và ký cam kết; đồng thời tổ chức các diễn đàn trao đổi với các chi hội phụ huynh HS, giúp mỗi phụ huynh nhận thức sâu sắc mục đích ý nghĩa của Cuộc vận động này, từ đó có trách nhiệm tham gia với quyết tâm cao nhất. Do làm tốt công tác tuyên truyền đã có sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, giáo viên, phụ huynh, HS và nhân dân về cuộc vận động “Hai không”.
Sau hơn 1 năm triển khai cuộc vận động "Hai không", các trường tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học. Tỷ lệ đề thi trắc nghiệm tăng, đề thi tự luận giảm. Giữa các đề thi đều có sự đảo câu để tránh quay cóp. Đặc biệt, công tác xét thi đua đã được đổi mới, không còn việc giao chỉ tiêu học sinh giỏi cho từng bộ môn, cũng như không căn cứ vào việc HS lên lớp hay tốt nghiệp lớp 12 vào đánh giá. Điều này đã đưa giáo viên trở về với thực chất dạy. Cũng vì lý do đó, mà kết quả đánh giá chất lượng cuối năm và thi tốt nghiệp của tất cả các cấp, hệ học đều thấp nhất trong những năm qua. Cụ thể, hệ THPT tỷ lệ tốt nghiệp là 62,94%, hệ bổ túc THPT là 22,73%. Những năm trước tỷ lệ này đều đạt trên 99%!? Kết quả này là đáng buồn, đáng báo động nhưng bước đầu cho thấy được thực chất của chất lượng đào tạo của chúng ta, từ đó có đơn thuốc đúng liều, đúng loại để điều trị căn bệnh được coi là “trầm kha” bấy lâu nay.
II- Đánh giá và thực chất câu hỏi đã được trả lời
Qua kết quả thi tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007, nhiều người mới vỡ lẽ về một số trường có "tiếng" giờ chỉ có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp chưa đến 40%. Dù vậy, việc thực hiện Cuộc vận động "Hai không" nếu chỉ ngành GD-ĐT vào cuộc chưa đủ. Khi được hỏi về khó khăn nhất trong “4 không” là gì, đồng chí Bùi Đức Cường, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: Đó chính là chất lượng giáo dục. trong đó yếu tố quan trọng nhất thuộc về người thầy, rồi mới đến HS, phụ huynh, xã hội... Để khắc phục bệnh thành tích là cả một quá trình kiên trì, quyết liệt”.
Cuộc vận động cũng cho thấy, ở nhiều địa phương, nhiều trường việc đánh giá HS chưa đồng đều. Theo đồng chí La Văn Tâm, Trưởng phòng GD-ĐT Định Hóa: "Mặc dù số HS khá, giỏi đều giảm so với trước nhưng chất lượng giáo dục đang bước đầu được nâng lên.. Tuy nhiên vẫn còn một số trường chưa thực hiện nghiêm túc tinh thần của Cuộc vận động, dẫn đến việc đánh giá học sinh chưa đúng thực chất. Qua khảo sát chất lượng đầu năm học 2007-2008 này, môn Văn và Toán ở bậc tiểu học, tỷ lệ học sinh yếu, kém môn Tiếng Việt là 11,94%, môn Toán là 16,52%; bậc THCS tỷ lệ học sinh yếu, kém môn Ngữ văn và Toán là 39,79%; bậc THPT tỷ lệ yếu, kém môn Ngữ văn là 39% và môn Toán là 61%.
Kết quả trên đã đánh giá đúng thực chất? Qua trao đổi với một số giáo viên THPT đều bày tỏ sự không đồng tình trong việc đánh giá của nhiều trường THCS, nhất là từ khi Bộ GD-ĐT quyết định bỏ thi tốt nghiệp THCS: Nhận thức về học tập và thi cử của HS giảm sút. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua là một dẫn chứng. Rất nhiều học sinh chỉ cần 0,25 điểm (không phải điểm liệt) là đủ tiêu chuẩn vào học ở một số trường công lập. Vì với phương thức thi kết hợp xét tuyển (thi Toán, Ngữ Văn tính hệ số 2 và xét điểm học tập của 4 năm THCS, cộng các điểm ưu tiên khác như: Con thương bệnh binh, học sinh đạt giải trong các kỳ thi văn hoá, năng khiếu thể dục thể thao, văn nghệ) thì 1 HS có học lực khá 4 năm học đã được cộng 20 điểm, trong khi đó một số trường điểm chuẩn vào lớp 10 chỉ có 14, 15 điểm (THPT Trần Phú 14 điểm, Yên Ninh 14,5 điểm, Lê Quý Đôn 15 điểm...). Mà HS có học lực khá ở bậc THCS thì khá nhiều.
III- Giải pháp
Để đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động “Hai không”, ngày 1-11-2007, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có Nghị quyết về việc triển khai Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” từ nay đến năm 2012. Xưa nay, thầy cô giáo vẫn được xã hội coi đạt chuẩn và trên chuẩn ở mọi góc độ. Nhưng thực tế, nhiều giáo viên mới chỉ đạt được điều kiện này ở góc độ chuyên môn. Trong khi đó còn rất nhiều chuẩn khác đòi hỏi mỗi giáo viên phải đạt được, như: Cách ứng xử với học trò, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, lối sống....
Cơ sở vật chất trường lớp khó khăn sẽ là bước cản
trong việc thực hiện Cuộc vận động.
Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT cần tiếp tục duy trì khảo sát chất lượng HS đầu năm học, phân loại để có biện pháp giảng dạy phù hợp. Tổ chức các lớp bồi dưỡng HS yếu kém. Duy trì học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học, THCS; có đủ cơ sở vật chất đáp ứng tốt cho nhu cầu dạy- học. Quan tâm hơn nữa đến cơ sở vật chất, đời sống văn hóa, tinh thần cho giáo viên vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, phát huy vai trò tự học của học sinh, đi đôi nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Có cách thức tổ chức dạy học ở các trường vùng khó khăn, vùng nghèo, học sinh khuyết tật. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về thực hiện quy chế dân chủ, chuyên môn trong nhà trường. Chỉ đến khi mỗi thầy cô coi nghề nghiệp là máu thịt của mình để phấn đấu vươn lên, làm một việc mà không đúng lương tâm, dạy một bài thiếu sự chuẩn bị... để rồi tự cảm thấy xấu hổ với chính bản thân, HS…thì chừng đó nền giáo dục mới hy vọng được chấn hưng.