Khi nghe các bác sĩ nói con mình sẽ bị mù vĩnh viễn người mẹ ấy đã cắn răng lặng lẽ khóc vì nghĩ rằng tương lai của đứa con trai yêu quí đã hoàn toàn khép lại. Thế nhưng, bằng một nghị lực phi thường, người con ấy đã viết nên một câu chuyện cổ tích để tặng mẹ kính yêu của mình…
Đó là Nguyễn Văn Chung học sinh lớp 9C Trường THCS Kỳ Thư - Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Từ khi mẹ sinh ra Chung đã không nhìn thấy ánh sáng, thương con nên mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, suốt 6 năm ròng rã bố mẹ vẫn đưa Chung đi chạy chữa khắp các bệnh viện từ
Từ khi ở bệnh viện về, Chung thất vọng, chán chường và cứ khi đêm về là nước mắt em chảy ướt đầm cả gối.
Năm 1999, Hội người mù huyện Kỳ Anh có dự án dạy chữ Brai cho người mù trong toàn huyện. Khi biết được tin này cả nhà Chung đều vui mừng. Nhà nghèo nên mẹ em phải chạy đôn chạy đáo mãi mới mượn được chiếc xe đạp cà tàng để đèo em đi học. Thế là từ ngày đó quãng đường dài gần 5 km từ nhà đến Hội người mù ngày nắng cũng như mưa đều có bánh xe đạp lăn của hai mẹ con Chung
Sau 6 tháng miệt mài học tập, không những Chung đã đọc thông viết thạo chữ nổi mà em còn hoàn thành xuất sắc chương trình lớp 1, nên Chung đã được chuyển thẳng vào lớp 2, Trường Tiểu học Kỳ Thư.
Khi nói về người học trò của mình, thầy giáo Phạm Khắc Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Thư tâm sự: “Vì bị mù nên việc đi lại của em rất khó khăn nhưng Chung rất khao khát được đến trường, chẳng hôm nào em nghỉ học. Các bạn trong lớp ai cũng thương và luôn động viên giúp đỡ em trong sinh hoạt hàng ngày, ngược lại Chung lại thường xuyên giảng bài cho các bạn trong lớp”.
“Mặc dù, là học sinh tiêu biểu nhất của trường nhưng suốt nhiều năm em không được tham gia học sinh giỏi vì chưa có cách thức tổ chức thi cho học sinh khiếm thị. Trong năm học này, nhờ sự thay đổi của phòng Giáo dục đào tạo nên Chung đã được tham gia dự thi môn Hoá học cấp huyện cùng những học sinh bình thường khác. Thật bất ngờ, em đã đạt được 17,5 điểm để giành giải nhất trong toàn huyện. Đây là một kết quả rất ấn tượng đối với một trường nhỏ như trường chúng tôi” - thầy Sơn tự hào nói.
Còn thầy giáo Nguyễn Quốc Anh, Trưởng Phòng giáo dục huyện Kỳ Anh cho biết: ”Chúng tôi đã tạo điều kiện để em Chung tham gia cuộc thi này bằng cách trong phòng thi bố trí 2 giám thị, một người đọc đề cho em làm bài sau đó chép lại còn một người làm nhiệm vụ giám sát. Thú thật, tôi rất bất ngờ về cậu học sinh này, trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với Trường THCS Kỳ Thư để tiếp tục giúp đỡ em thực hiện ước mơ của mình”.
Hoàn cảnh của gia đình Chung hết sức khó khăn. Bố em - ông Nguyễn Văn Hồng là bộ đội xuất ngũ, thường xuyên bị đau ốm. Trong nhà có 3 người con thì Chung và đứa em út đều bị mù bẩm sinh cho nên tất cả mọi gánh nặng đều đè lên vai người mẹ.
Khi nói chuyện với chúng tôi, chị Lê Thị Lành (mẹ Chung) không dấu nổi xúc động kể: ”Do cháu phải viết chữ nổi trên giấy dày nên rất khó khăn và tốn kém. Tôi phải đi mua loại giấy khổ A4 về và dùng bột mì dán lại đem phơi cho dày để cháu nó dễ viết, riêng khoản này mỗi năm học cũng hết gần một triệu đồng. Biết là rất cần thiết nhưng việc mua bộ sách giáo khoa chữ nổi cho Chung học thì đó còn là một ước mơ xa vời đối với gia đình chúng tôi”.
“Thật may, Chung không chỉ học giỏi mà còn rất ngoan và có hiếu với bố mẹ. Hàng ngày, ngoài một buổi đến trường, cháu thường ở nhà phụ giúp mẹ đan sọt tre để bán. Mà nó đan vừa nhanh vừa đẹp ai mua cũng đều khen. Mặc dù gia đình còn nghèo, nhưng có được đứa con như vậy tôi cảm thấy mình hạnh phúc lắm rồi” - chị Lành tâm sự.
Khi chúng tôi hỏi, lớn lên Chung mơ ước sẽ làm nghề gì, em nói ngay: ”Em mơ ước sau này mình sẽ trở thành thầy giáo để dạy cho những học sinh mù có cùng hoàn cảnh như em. Để thực hiện được ước mơ này là rất khó nhưng em quyết tâm làm bằng được. Hè này em sẽ tham gia một khoá học vi tính ở thành phố Hà Tĩnh do Hội người mù tổ chức đấy ạ”.