Giúp học sinh viết đúng chính tả

07:49, 15/05/2008

Phân môn chính tả trong nhà trường giúp học sinh (HS) hình thành năng lực và thói quen viết đúng tiếng Việt. Tuy nhiên, tình trạng dạy phân môn chính tả, nhất là ở bậc tiểu học còn vướng nhiều khó khăn, nhất là việc dạy học chưa đạt kết quả mong muốn, tình trạng HS viết chính tả còn bị nhiều lỗi, kết quả chất lượng phân môn chính tả chưa cao.

 Thực trạng

 

Hiện nay, HS tiểu học nói chung thường viết sai chính tả, nhất là lỗi dấu thanh, lỗi phụ âm đầu phụ âm cuối, giáo viên (GV) vẫn còn lúng túng trước thực trạng này nên suốt thời gian dài vẫn chưa khắc phục tốt. Hậu quả là HS lên đến bậc trung học, thậm chí học cao đẳng, đại học vẫn còn viết sai chính tả, nhất là lỗi phụ âm đầu và phụ âm cuối.

 

Số liệu thống kê ở các trường tiểu học về kết quả kiểm tra chất lượng cuối năm học trong các năm gần đây cho thấy vẫn còn khoảng 30% HS mắc lỗi chính tả phụ âm đầu, phụ âm cuối, lỗi dấu thanh. Nguyên nhân là do phương pháp dạy học chưa sát, chưa phù hợp với đặc thù HS từng vùng miền, GV chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc khắc phục lỗi chính tả cho HS.

 

Giải pháp khắc phục

 

Hình thành kỹ xảo chính tả cho HS tức là giúp cho các em viết đúng chính tả một cách tự động, không cần phải trực tiếp nhớ tới các quy tắc chính tả, không cần đến sự tham gia của ý chí. Ta có thể tiến hành theo hai cách sau để đạt được điều này: có ý thức và không ý thức.

 

Thường ta gọi phương pháp máy móc, cơ giới là cách không ý thức và chủ trương dạy chính tả không cần biết đến sự tồn tại các quy tắc chính tả, không cần hiểu mối quan hệ giữa ngữ âm và chữ viết, những cơ sở từ vựng và ngữ pháp của chính tả, mà chỉ đơn thuần là việc viết đúng từng trường hợp, từng từ cụ thể.

 

Ngược lại cách có ý thức - thường gọi là phương pháp có ý thức, có tính tự giác - chủ trương cần phải bắt đầu từ việc nhận thức các quy tắc, các mẹo luật chính tả. Qua đó, tiến hành luyện tập và từng bước đạt tới các kỹ xảo chính tả.

 

Việc hình thành các kỹ xảo bằng con đường có ý thức sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức. Đó là con đường ngắn nhất, có hiệu quả cao. Đối với HS tiểu học, GV cần vận dụng hai cách nói trên. Điều lưu ý là cách không ý thức chủ yếu được sử dụng ở các lớp đầu cấp còn cách có ý thức cần được sử dụng thích hợp chu yếu ở các lớp cuối cấp.

 

Cũng cần biết rằng, gần đây, một số nhà nghiên cứu về vấn đề dạy - học chính tả lại có xu hướng khẳng định trong các cách học, cách "nhớ từng chữ một" được coi là giải pháp hữu hiệu và hợp lý hơn cả, nhất là đối với HS tiểu học, vì HS nhỏ tuổi có khả năng nhớ máy móc khá tốt, khả năng học thuộc khá nhanh. Tất nhiên, theo cách này, GV chỉ cần hướng dẫn HS tập trung nhớ mặt chữ của những từ dễ viết sai. Hơn nữa, những từ dễ viết sai này chiếm tỉ lệ không nhiều, nên HS có thể ghi nhớ được.

 

Xác định nội dung giảng dạy chính tả sẽ góp phần khắc phục lỗi chính tả ở HS. Nội dung giảng dạy chính tả phải theo khu vực và sát hợp với phương ngữ. Nghĩa là phải xuất phát từ tình hình thực tế mắc lỗi chính tả của HS ở từng khu vực, từng miền để hình thành nội dung giảng dạy, điều quan trọng là phải xác định được trọng điểm chính tả cần dạy cho HS theo từng khu vực, từng địa phương. Các trọng điểm chính tả này càng được xác định cụ thể, chi tiết càng tốt.

 

Mỗi địa phương có một số trọng điểm chính tả riêng. Chính vì vậy, GV cần chú ý vận dụng nguyên tắc dạy chính tả theo địa phương, theo khu vực. Nguyên tắc này yêu cầu GV trước khi dạy cần tiến hành điều tra cơ bản để nắm lỗi chính tả phổ biến của HS, từ đó lựa chọn nội dung giảng dạy thích hợp.

 

Ở đây cũng lưu ý GV cần tăng cường sự linh hoạt, sáng tạo trong giảng dạy, cụ thể trong việc xây dựng nội dung bài sao cho sát hợp với đối tượng HS lớp mình dạy. Ở một chừng mực nào đó, có thể lược bớt những nội dung giảng dạy trong sách giáo khoa xét thấy không phù hợp với HS lớp mình dạy, đồng thời bổ sung những nội dung dạy cần thiết mà không có trong sách giáo khoa.



Website thi thử ielts online miễn phí