Nhiều cuốn sách giáo khoa in từ tháng 1, tháng 2-2008 dán giá mới nhưng đến ngày 29-4, NXB mới công bố với báo chí về việc tăng giá sách. Chẳng lẽ nhà in đã in ra thành phẩm rồi mà lại đòi NXB Giáo dục tăng giá?
Vào các cửa hàng bán sách giáo khoa (SGK) ở TPHCM, ngoài những cuốn SGK do NXB Giáo dục ấn hành còn thấy ở mỗi lớp có hàng chục tựa sách ăn theo (gọi là sách bổ trợ SGK) cũng do NXB Giáo dục ấn hành với mức giá tăng từ 15%-20%.
Ông Vũ Bá Hòa, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục, cho rằng vì lỗ nên SGK in năm 2008 tăng bình quân 10% so với giá bìa. Lý do này là rất khó thuyết phục. Chúng ta đều biết, hằng năm, NXB Giáo dục đều mở hội nghị hay phiên họp ở các tỉnh để phối hợp các ban ngành, cơ quan... ngăn chặn việc in lậu SGK. Vậy ta thử hỏi, tư nhân in lậu chỉ in vài ngàn cuốn cho mỗi tựa SGK với hoa hồng trừ cho đại lý phát hành sách lậu chắc chắn cao hơn NXB Giáo dục mà người in lậu vẫn có lời. Mỗi khi họp hội nghị chống in lậu SGK hằng năm, giới xuất bản và phát hành thường bàn tán: Sở dĩ sách của NXB Giáo dục bị in lậu nhiều nhất là vì sách của NXB Giáo dục quá lời do bán được số lượng nhiều.
Còn một điều phi lý ở đợt tăng giá SGK lần này là những SGK đã in giá cũ rồi, cũng được NXB Giáo dục in tem giá mới để dán lên. Vậy một câu hỏi đặt ra là liệu với sách cũ này, NXB Giáo dục đã hạch toán lời lãi chưa mà bây giờ lại tăng đều như sách mới in? Chẳng lẽ nhà in đã in ra thành phẩm rồi mà lại đòi NXB Giáo dục tăng giá? Nếu có thì hợp đồng kinh tế NXB Giáo dục ký với nhà in khi nào? Trước hay khi in ra sản phẩm rồi mới ký. Phải chăng vì không muốn sứt mẻ khoản lợi nhuận khổng lồ nên NXB Giáo dục mới làm như vậy.
Nhìn những cuốn sách in từ tháng 1, tháng 2-2008 dán giá mới chồng lên giá cũ đã in, nhưng mãi đến ngày 29-4-2008, NXB Giáo dục mới chính thức thông báo với báo chí và qua báo chí, đại biểu Quốc hội mới biết và đề nghị giải trình, mới thấy cách hành xử của NXB Giáo dục không khác gì “tiền trảm hậu tấu”.
Một điều bất cập do độc quyền mà NXB Giáo dục đã “đẻ” ra và đặt ra, chỉ có công ty sách thiết bị trường học mới được nhận hàng trực tiếp từ NXB Giáo dục với mức chiết khấu từ 22%-24%; riêng vùng sâu, vùng xa, miền núi được hưởng 32%. Các công ty này bán cho các nơi phát hành khác như: FAHASA, Phương
Như vậy, chỉ cần nhận sách và phân phối lại cho các nơi bán trực tiếp thì Công ty Sách - Thiết bị trường học đã lời 10% trở lên. Rõ ràng, nếu chỉ cần không qua trung gian là Công ty Sách - Thiết bị trường học mà đưa thẳng đến các đại lý để bán trực tiếp cho học sinh thì đã không cần phải tăng giá SGK lên 10% mà vẫn không ảnh hưởng đến khoản lợi nhuận khổng lồ của NXB Giáo dục.