Xóa bỏ độc quyền, giá sách sẽ giảm

22:05, 01/05/2008

Tỉ lệ hoa hồng phát hành ở NXB Giáo dục mấy năm qua bình quân là 24% so với giá bìa. Mức phần trăm này, theo báo cáo của Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT, cao hơn mặt bằng chung của các nước trong khu vực khoảng 4%

Tôi công tác ở Hội Khuyến học, đi nhiều nơi, thấy học sinh nông thôn, đặc biệt là miền núi, rất nghèo. Tiền ăn không đủ, có nhà phải chạy từng bữa, chịu vay nợ đóng tiền cho con đi học. Người ta nghĩ tới tương lai con cái mình nên cắn răng lo cho con đi học. Nhưng trong giai đoạn mà mọi thứ đều tăng, sách giáo khoa (SGK) cũng tăng thì người dân làm sao chịu nổi. Tăng một quyển thì còn đỡ, đằng này tăng đồng loạt cả chục quyển thì người nghèo biết xoay xở làm sao! Nếu Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục tính toán, lùi lại thời điểm tăng giá sách cho qua đợt khó khăn này thì tốt quá. Trong trường hợp mà NXB Giáo dục nhất quyết đòi tăng giá sách, tôi nghĩ phải có sự can thiệp của Nhà nước. Chính phủ nên bình ổn giá, nhất là giá SGK. Tất nhiên ngân sách Nhà nước cũng hạn chế, trợ giá được đến đâu hay đến đó.

Từng làm quản lý giáo dục, tôi biết lượng giấy in SGK là khổng lồ và lợi nhuận của NXB Giáo dục cũng khổng lồ bởi họ độc quyền việc in SGK của cả nước. Còn nhớ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi năm ngoái, trong 4 năm rưỡi (từ 2002-2007), NXB Giáo dục đã thu về tới hơn 345 tỉ đồng lợi nhuận (trong đó cao nhất là năm 2003 với gần 94 tỉ đồng). Riêng việc xây dựng giá bán “SGK ổn định 10 năm” chênh lệch với giá thành thực tế nhiều phần trăm cho SGK mới thuộc chương trình đổi mới SGK của Bộ GD-ĐT đã giúp NXB này thu về cả trăm tỉ đồng. Báo chí cũng đã nêu, nhiều khoản dù được bảo đảm bằng ngân sách Nhà nước nhưng vẫn được NXB Giáo dục đưa vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Lại có những khoản chi chỉ được lấy từ lợi nhuận sau khi trích đủ quỹ phát triển kinh doanh và quỹ dự phòng tài chính theo quy định thì NXB lại hạch toán vào chi phí sản xuất. Đọc báo thấy những chuyện đó, hỏi có đau lòng không? Đau lắm chứ. Đau lòng nhất là chỉ trong vòng mấy năm ấy, NXB đã “nộp” tới gần 2,4 tỉ đồng cho Công đoàn Bộ GD-ĐT để chi cho công đoàn viên vào các dịp lễ, Tết, tham quan, nghỉ mát... Tôi thấy quá buồn vì việc này, không biết các thầy cô, có ai nghĩ rằng mình đang sử dụng những đồng tiền từ tăng giá sách? Thế hệ cha anh của học sinh bây giờ, trước kia đi học rất nghèo, nhiều thế hệ chung nhau một bộ SGK. Thời ấy người ta không “phù phép” thêm nếm một vài nội dung để bán sách mới, công nghệ lấy tiền của phụ huynh học sinh cũng chưa có. Ngày nay, em kém anh chị vài tuổi là đã không thể học được sách cũ vì NXB đã thêm bài, thêm cách, thay bìa, thay giá. để “an toàn”, học trò cứ sách mới mà mua.

Rất nhiều ý kiến đề nghị cần phải xóa bỏ độc quyền trong in ấn, xuất bản SGK. Tôi hoàn toàn nhất trí, xóa bỏ độc quyền chắc chắn sẽ giúp giá sách giảm xuống. Tôi thấy báo chí có nhắc đến tỉ lệ hoa hồng phát hành ở NXB Giáo dục mấy năm qua bình quân là 24% so với giá bìa. mức phần trăm này, theo báo cáo của Vụ Pháp chế, Bộ GD-ĐT, cao hơn mặt bằng chung của các nước trong khu vực khoảng 4%. Lại thêm một nguyên nhân nữa khiến giá bán SGK cao hơn nhiều giá thành thực tế. Muốn đem lại công bằng cho người dân, càng sớm càng tốt phải xóa bỏ độc quyền. Nội dung sách vẫn do Bộ GD-ĐT quản lý, nhưng việc in ấn có thể chuyển giao cho các địa phương. Điều này cũng giống như là đi mua sách ở hiệu sách lớn giá 100.000 đồng/cuốn, nhưng cùng cuốn đấy (tất nhiên là sách thật) ra các hiệu sách ở phố Đinh Lễ (Hà Nội) thì chỉ còn 60.000 đồng vì được chiết khấu đến 40% ở khâu phát hành. Giảm được chi phí ở tất cả các khâu in ấn, vận chuyển, phân phối..., chẳng có lý do gì mà giá sách không giảm xuống.