Đào tạo ít nhất 30 chương trình tiên tiến tại các trường ĐH hàng đầu Việt Nam

15:40, 15/06/2008

Đó là một trong những mục tiêu của đề án  “Đào tạo chương trình tiên tiến (CTTT) tại một số trường Đại học Việt Nam giai đoạn 2008-2015” của Bộ GD-ĐT. Dự kiến đến năm 2015, các CTTT này  sẽ cho “ra lò”  khoảng 4000 cử nhân, 600 thạc sĩ, tiến sĩ.

Kỳ vọng của Bộ GD-ĐT ở những CTTT vẫn là tạo ra những đổi mới cưan bản về nội dung đào tạo, phương pháp dạy - học, phương thức tổ chức và quản lý đào tạo, cách thức đánh giá, gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học, là tiền đề phát triển các trường ĐH thành các trung tâm học thuật, nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế.

 

Bên cạnh việc trang bị cho SV nước ta hệ thống kiến thức hiện đại, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng tự  học, tự nghiên cứu và thích ứng cao với môi trường làm việc sau tốt nghiệp, Bộ đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ thu hút khoảng 3000 SV quốc tế  đến học tập tại các CTTT của nước ta

 

Đề án cũng đặt ra một số mục tiêu cụ thể khác như: đào tạo được 1000 giảng viên, 100 cán bộ quản lý giáo dục, hoàn thiện ít nhất 20 phòng thí nghiệm và 15 thư viện điện tử  đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; Có ít nhất 100 công trình khoa học thuộc các ngành đào tạo CTTT công bố trên các tạp chí khoa học uy tín ở nước ngoài; Thu hút ít nhất 700 lượt cán bộ khoa học quốc tế đến giảng dạy và nghiên cứu tại các ngành đào tạo CTTT…

 

Ngoài ra, các CTTT sẽ góp phần trang bị cho các trường ĐH các điều kiện đảm bảo chất lượng phục vụ việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu theo tiêu chuẩn quốc tế. Đến năm 2015 có 100% giảng viên đứng lớp các CTTT có trình độ tiến sĩ.

 

Từ thực tế triển khai thí điểm 10 CTTT từ năm 2006, các chuyên gia nước ngoài đều đánh giá và nhận định đây là một hướng đi đúng đắn, là một trong những giải pháp quan trọng để đổi mới giáo dục dạy học Việt Nam bằng con đường ngắn với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện nước ta.

 

Nguồn lực tài chính bao gồm: Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 60% cho 03 khóa đầu tiên của mỗi CTTT. Với 30 CTTT thì tổng số ngân sách hỗ trợ dự kiến khoảng 859,5 tỷ đồng cho 90 khóa đào tạo.

 

Nguồn tài chính đóng góp của trường chiếm tỷ lệ 25% dự toán (dự kiến khoảng 358,125 tỷ đồng), nhằm tăng trách nhiệm của các trường trong việc triển khai CTTT và góp phần làm tăng tính bền vững của đề án khi không còn hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

 

Nguồn học phí đóng góp của người học chiếm 15% còn lại (214,875 tỷ đồng) nhằm gắn trách nhiệm của người học với việc đầu tư, phát triển CTTT bởi người học được hưởng thụ dịch vụ giáo dục chất lượng  cao thì phải có đóng góp tương xứng.