Kết quả tốt nghiệp THPT 2008: Cao hơn năm trước

14:03, 11/06/2008

Nhiều địa phương đã có kết quả thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm học 2007 - 2008. Nhìn nhận chung, kết quả năm nay cao hơn năm trước, thậm chí, có những địa phương tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở hệ bổ túc tăng hơn gấp đôi.

Hà Tây: Có trường đỗ 100%

 

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay của Hà Tây đạt 66,83% và 46,31% của hệ bổ túc THPT. So với năm trước, tỷ lệ ở hệ THPT tăng hơn 10% và bổ túc THPT tăng hơn 20%. Trường đỗ cao nhất đạt 100% là Nguyễn Huệ và đỗ thấp nhất là Dân lập Xuân Mai 2 với 24,71%. Tương tự, ở hệ bổ túc là 86,67% (Trường bổ túc Hữu Nghị) và 22,22% (Trung tâm GDTX Thanh Oai).

 

Theo ông Uông Đình Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT, tỷ lệ đỗ năm nay tăng hơn năm trước nhưng so với nhiều nơi khác vẫn là thấp. Tuy nhiên, Hà Tây chủ trương không chạy theo thành tích và phản ánh đúng kết quả thực.

 

Thái Bình: Phân hóa rõ!

 

Ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Bình cho biết, kết quả thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm nay đã thể hiện rõ sự phân biệt giữa các nhà trường. Khối các trường THPT công lập vẫn giữ vai trò chủ đạo. Tỷ lệ đỗ ở THPT đạt 91,82%, khối bổ túc THPT đỗ 79,64% (THPT: 86,51%; bổ túc THPT: 68,45%).

 

Cả tỉnh không có trường nào đỗ 100%, trong đó đỗ thấp nhất là Trường THPT bán công Nam Tiền Hải với 26%; Trường THPT chuyên Thái Bình đỗ cao nhất 99,8%, do có một HS không dự thi một môn vì đến muộn. Kết quả tốt nghiệp của hệ bổ túc THPT cũng thể hiện đúng hoạt động dạy và học của từng trung tâm. Đỗ thấp nhất là Trung tâm GDTX Kiến Xương với 34%.

 

Theo ông Bắc, kết quả năm nay cao hơn là do công tác ôn tập, sự đồng tâm của các nhà trường và ý thức học của HS cũng tốt hơn. "Kỳ thi năm nay không có hội đồng nào dễ dãi, thả lỏng. Điều này phản ánh cụ thể qua kết qua chấm không có tỷ lệ bất thường".

 

Bắc Ninh: Tỷ lệ đỗ bổ túc THPT tăng gấp đôi

 

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT 87% của tỉnh này "nhỉnh" hơn năm trước tới gần 12%; ở hệ bổ túc THPT đỗ 74% (năm trước là 37%). Trong đó, có 2 trường đạt tỷ lệ đỗ 100% là Trường THPT chuyên Bắc Ninh và Trường THPT Hàn Thuyên; trường đỗ thấp nhất là THPT dân lập Lương Tài với 43,5%.

 

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Đặng Văn Hướng, với việc tổ chức kỳ thi như năm nay, có thể thực hiện được việc thi "2 trong 1" nhưng cần phải chuẩn bị kỹ. Khó để thực hiện ngay trong năm sau mà Bộ cần phải có lộ trình rõ ràng, có sự chỉ đạo sát sao, phải đổi mới cách dạy và học.

 

Vĩnh Phúc: 85,67%

 

Tỷ lệ đỗ THPT của tỉnh năm nay là 85,67% (năm trước đỗ 80,14% lần 1), trong đó có 2 trường THPT đạt tỷ lệ 100% là: chuyên Vĩnh Phúc và bán công Hai Bà Trưng. Có 6 trường đạt trên 99%; trường đỗ thấp nhất là THPT Sáng Sơn với 49,14%.

 

Hệ bổ túc THPT đỗ 52,83% (năm trước đỗ 30,1%). Tỷ lệ đỗ cao nhất thuộc về Trung tâm GDTX Mê Linh với 89,69% và thấp nhất là HS bổ túc của Trường CĐ công nghiệp Phúc Yên 16,33%.

 

Bắc Giang: Tỷ lệ đỗ bổ túc tăng vượt trội

 

Kỳ thi tốt nghiệp năm nay, tỉnh Bắc Giang có kết quả đỗ tốt nghiệp hệ THPT đạt 82,3% (năm trước 60,65%) và hệ bổ túc THPT đạt 66,32% (năm trước 14,57%).

 

Các trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100% là Trường Dân tộc nội trú tỉnh, Trường chuyên tỉnh Bắc Giang và Trường THPT Việt Yên số 1. Năm nay, số trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt thấp ở Bắc Giang rất ít; ở hệ THPT chỉ có hai trường có kết quả đỗ dưới 30% là Trường Dân lập Quang Trung (13,21%) và Trường THPT Phi Mô (28,24%) cùng ở huyện Lạng Giang; hệ bổ túc THPT đều đạt từ 36% trở lên.

 

TP.HCM: Tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc thấp hơn năm trước

 

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay là 59,86%, thấp hơn so với năm ngoái (64,56%). Trong đó, tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp loại giỏi là 0,21% và tốt nghiệp loại khá là 4,18%.

 

Thủ khoa của hệ bổ túc là thí sinh Nguyễn Thị Kim Ngà, thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 3 với số điểm là 56.

 

Môn Hoá có tỷ lệ các bài thi đạt từ 8 điểm trở lên cao nhất chiếm 15,7%. Tỷ lệ này ở môn Địa là thấp nhất: 0,4%. Và các môn còn lại: Văn: 0,8%; Sử: 9,1%; Toán: 6,4% và Sinh: 9,26%.

 

Theo ông Nguyễn Văn Ngai, Phó giám đốc Sở, đề thi năm nay yêu cầu cao hơn, khi làm bài đòi hỏi phải có sự phân tích so sánh chứ không phải chỉ cần học thuộc bài nên môn Sử và Địa có điểm thấp hơn năm trước.

 

 

Hậu Giang: Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ phổ thông ở Hậu Giang đạt 68,87% cao hơn năm trước 7,6%. Trong đó, có 26,4% học sinh đạt điểm trung bình môn Vật lý. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ bổ túc ở Hậu Giang cũng cao hơn năm ngoái 7%, đạt 9,56%.

 

Trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Phạm Thành Mận cho biết: "Số bài thi đạt điểm liệt (điểm 0) giảm nhiều so với năm ngoái. Hệ THPT, có 3 bài môn Toán, riêng hệ bổ túc có 76 điểm 0 môn Toán, 23 điểm 0 môn Địa, 21 điểm 0 cho môn Sử, và 17 điểm 0 cho môn Văn.

 

Bạc Liêu: Năm nay, tỷ lệ thí sinh đậu tốt nghiệp ở phổ thông khoảng 65%, cao hơn năm 2007 là 16%. Ở hệ bổ túc, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Bạc Liêu là gần 8%, cao hơn năm ngoái 2,5%. Theo thống kê của Sở, môn Vật lý có đến 64% dưới trung bình, còn môn Toán có 16 bài thi bị điểm 0. Ở hệ bộ túc, môn Sử có đến 30 bài thi bị điểm 0 và ở môn Toán là 21 bài thi.

 

 

An Giang: Tăng 9%

 

Kết quả đỗ THPT đạt 80,07% (năm trước 71,7%), bổ túc là 17,5% (năm trước 31,71%).

 

Với kết quả giảm một nửa của hệ bổ túc, ông Hồ Việt Hiệp, Giám đốc Sở giải thích, do năm trước, số cán bộ đi học "chạy" sang một vài tỉnh lận cận như Đồng Tháp để thi vì cho rằng bên đó dễ hơn. Nhưng năm nay các tỉnh xung quanh siết chặt, họ không vào thi được nên thi tại địa phương.

 

Chủ trương của tỉnh là các cán bộ xã, phường đến năm 2010 phải có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc nếu không sẽ bị đào thải. Theo ông Hiệp, tỷ lệ này còn chiếm đến 50-60%. Tuy nhiên, do đã có tuổi nên khi tham gia học lại và thi kết quả không đạt yêu cầu.

 

Ông Hiệp khẳng định, riêng An Giang có thể yên tâm với kỳ thi "2 trong 1" do việc thi cử nghiêm túc đã thành tiền lệ, học trò không bị sức ép và các trường không chạy theo thành tích.