Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng GD&ĐT Bành Tiến Long, khẳng định, kỳ thi đại học năm nay sẽ không căng thẳng hơn năm 2007 do chỉ tiêu tăng 15-20%. Các phương án chống thi hộ, thi kèm đã được chuẩn bị chu đáo.
- Chỉ còn hơn nửa tháng nữa, thí sinh sẽ tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, Thứ trưởng đánh giá thế nào về mức độ căng thẳng của kỳ thi này?
- Năm nay, lượng thí sinh đăng ký thi nhiều hơn nhưng chỉ tiêu cũng nhiều hơn những năm trước 15-20% nên độ căng thẳng sẽ không cao hơn.
Quy chế tuyển sinh năm nay có một số điểm mới như có thêm tiếng Đức và Nhật, Bộ ra đề chung trong cho đợt thi CĐ ngày 15-16/7 nên kết quả sẽ công bằng hơn. Đề ĐH, CĐ sẽ có phần đảm bảo kiến thức cơ bản (các em trung bình có thể làm được 14-15 điểm) và phần phân loại thí sinh khá, giỏi. Tỷ lệ này được Ban đề quy định. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với lực lượng an ninh để chống thi kèm thi hộ.
- Với tư cách Trưởng ban chỉ đạo thi, Thứ trưởng có lời khuyên nào đối với các thí sinh chuẩn bị thi năm nay?
- Các em hãy chọn cho mình một hướng đi đúng. Nguyện vọng học ĐH, CĐ là chính đáng, nhưng với quy mô chưa đáp ứng được nhu cầu như hiện nay, những em chưa đỗ ĐH, CĐ có thể học ở trình độ thấp hơn sau đó học liên thông lên các bậc cao.
Ngoài ra, cần phát huy kiến thức, năng lực, bình tĩnh tự khẳng định mình, học tập kinh nghiệm của người đi trước, dự thi nghiêm túc. Dù thi đỗ hay chưa đỗ, các em vẫn phải tiếp tục học tập. Đó cũng là cách xây dựng một nền giáo dục lành mạnh, phát triển.
- Thứ trưởng có nói đến việc xây dựng một nền giáo dục lành mạnh. Vậy ông thấy sao trước những tiêu cực trong thi cử những năm gần đây?
- Trước đây, kỷ cương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT không được đảm bảo như trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Kỳ thi được tổ chức tại các địa phương, việc coi thi chỉ do cán bộ, giáo viên địa phương thực hiện nên thường bị sức ép từ bên ngoài. Hội đồng coi thi nhiều nơi không kiểm soát được hết tình hình để đảm bảo nghiêm túc. Tiêu cực và chạy theo thành tích cũng khiến công tác coi, chấm thi nhiều nơi trở nên lỏng lẻo, hình thức. Nghiêm trọng hơn là những trường hợp gian lận có tổ chức được phát hiện trong những năm gần đây.
Năm vừa rồi, chúng ta tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt hơn năm 2007, nhưng vẫn còn phao thi, cướp đề thi, thanh tra ủy quyền chưa làm tròn nhiệm vụ…Bộ GD&ĐT chủ trương phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Bộ, ngành liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức thi, thực hiện bổ sung, sửa đổi quy chế thi tuyển sinh theo hướng ngày càng phù hợp với thực tiễn, tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát với tất cả các khâu của kỳ thi.
- Theo ông, đâu là những bất hợp lý của việc tổ chức thi và tuyển sinh hiện nay?
- Các bạn trẻ để vào được các trường đại học phải trải qua nhiều kỳ thi kiểm tra đầu vào: Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Mỗi năm, một triệu học sinh tốt nghiệp THPT trong khi quy mô đào tạo 300.000-350.000 người mỗi năm nên tạo sức ép với các em. Ở các nước như châu Âu, Mỹ, muốn vào đại học các em cũng phải trải qua các kỳ thi nhưng không phải chịu sức ép như ở nước ta.
Tuyển sinh ĐH, CĐ đã qua nhiều lần thay đổi. Có lúc Nhà nước đứng ra tổ chức thi, sau đó giao lại quyền chủ động cho các trường tổ chức thi riêng. Do xuất hiện nhiều bất hợp lý nên cách đây 7 năm, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi 3 chung. Kỳ thi này còn nhiều hạn chế nhưng đã đạt được nhiều tiến bộ như đảm bảo kỷ cương, công bằng, chất lượng đầu vào của nguồn nhân lực...
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đều trên quy mô toàn quốc. Trên một triệu thí sinh dự thi, nội dung chương trình cũng như vậy mà tổ chức hai kỳ thi, gây tốn kém hàng trăm tỷ đồng, gây cho các bạn trẻ áp lực không đáng có.
- Sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ trình Chính phủ Đề án một kỳ thi THPT Quốc gia bắt đầu từ năm 2009. Vậy đâu là căn cứ để Bộ đưa ra quyết định này?
- Nội dung chính của đề án là từ năm 2009 sẽ tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia, lấy kết quả để vừa công nhận tốt nghiệp vừa làm căn cứ quan trọng để tuyển sinh ĐH, CĐ, Trung cấp. Hiện, chúng ta nằm trong khoảng 10% số nước tổ chức hai kỳ thi riêng lẻ. Hai kỳ thi cùng một nội dung kiến thức ở THPT, chủ yếu là lớp 12, cùng một đối tượng dự thi nhưng chỉ cách nhau có một tháng.
Việc tổ chức hai kỳ thi riêng rẽ khiến cho nhiều khâu trong quá trình thi khó kiểm soát chặt chẽ, dễ xảy ra gian lận, kết quả không đảm bảo khách quan, chính xác, không đánh giá đúng năng lực của thí sinh. Một trong những hậu quả nữa cần phải kể đến là việc tốn thời gian, công sức tiền của đối với thí sinh dành cho hai kỳ thi liên tiếp nhau, lãng phí do thí sinh ảo.
Trong khi đó, phần lớn các nước trong khu vực và thế giới chỉ tổ chức một kỳ thi chung: thi nhiều môn để thí sinh lựa chọn theo yêu cầu, mục đích cá nhân, nội dung thi là kiến thức THPT, đề thi soạn thảo chủ yếu theo hình thức trắc nghiệm. Nhiều nước lấy kết quả thi chung chỉ để xét tuyển sinh vào đại học và các trường chuyên nghiệp, một số ĐH có thể tổ chức thêm kỳ thi với quy mô nhỏ.