Năm học 2006-2007, ngành GD-ĐT phát hiện 2 học sinh (HS) nghiện ma túy, thì năm học 2007-2008 không có trường hợp HS nào mắc nghiện. Đây là kết quả của sự nỗ lực cao trong toàn ngành, trong đó có sự phối hợp có hiệu quả từ phía các ngành chức năng và gia đình các HS.
Bên cạnh đó, các trường đều bố trí kinh phí nhất định cho công tác tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống ma túy. Các nhà trường mời các cán bộ ngành Công an, Trung tâm phòng chống AIDS của tỉnh đến nói chuyện cũng như tổ chức các diễn đàn, tọa đàm và hội thi tìm hiểu về phòng, chống ma túy để giáo viên, HS nắm được những thông tin mới nhất về tình hình nghiện ma túy ở tỉnh, trong nước, trên thế giới, những nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường tiêm chích ma túy, tác hại của ma túy tới cộng đồng. Bên cạnh đó, ngay tuần đầu tiên của năm học mới, các trường phổ thông đều tổ chức cho HS ký cam kết không vi phạm pháp luật, không sử dụng ma túy và các chất gây nghiện. Vào dịp hè, các trường tổ chức bàn giao HS cho các cấp bộ Đoàn để quản lý HS tại địa phương. Mặt khác, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các câu lạc bộ học tập thu hút đông đảo HS tham gia, tạo sân chơi bổ ích, lý thú, nâng cao chất lượng học tập, xây dựng môi trường giáo dục xanh- sạch- đẹp, văn minh, dân chủ, kỷ cương. Những việc làm trên có tác dụng tốt trong việc giáo dục và nâng cao ý thức trong tu dưỡng đạo đức, rèn luyện tác phong học tập của HS.
Bên cạnh đó là tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và các gia đình trong giáo dục HS. Nhiều trường tổ chức tốt các hoạt động này như Trường THPT Chu Văn An, THPT Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên), THPT Sông Công... Đặc biệt, các trường còn xây dựng hòm thư tố giác, hòm thư góp ý, hòm thư giúp bạn để phát hiện những trường hợp có nghi ngờ vi phạm các tệ nạn xã hội để kịp thời ngăn chặn. Qua hòm thư góp ý, năm học 2006-2007, Trường THCS Lục Ba (Đại Từ) phát hiện 2 HS lớp 9 nghiện ma túy. Nhà trường đã giáo dục, thuyết phục 2 HS này đi cai nghiện, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau từ phía các em và gia đình nên các em này đã chủ động bỏ học. Đây được xem là bài học chung cho ngành giáo dục (nhất là ở chính trường, lớp có học sinh mắc nghiện) và gia đình những học sinh này trong việc quan tâm, giáo dục các em.
Trước tình hình trên, trong năm học 2007-2008, ngành GD-ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng ngừa các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn sử dụng trái phép ma túy và các chất gây nghiện trong HS. Từ việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, các em HS đã nâng cao ý thức trong tu dưỡng, học tập. Kết quả năm học 2007-2008, toàn ngành không phát hiện trường hợp HS nào mắc vào các tệ nạn xã hội. Đây là kết quả đáng mừng để ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện tốt chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng môi trường học đường không ma túy.