Năm học 2008-2009 được xác định là: "Năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực". Bộ GD-ĐT đã đưa ra phương hướng thực hiện trong Hội nghị tổng kết năm học vừa qua.
Theo đó, trong năm học 2007-2008, ngành giáo dục đã thực hiện được nhiều biện pháp tích cực nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục như đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh giáo dục toàn diện, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo...
Công tác phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS ở các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có hoàn cảnh kinh tế - xã hội khó khăn còn chậm, kết quả đạt được chưa thực sự vững chắc. Dự kiến đến năm 2010, có thể có một số tỉnh vẫn chưa đạt được mục tiêu này. Công tác xóa mù chữ chưa được quan tâm đúng mức.
Kết quả về đổi mới phương pháp dạy học vẫn còn hạn chế, sự chỉ đạo của Bộ và các tỉnh còn thiếu cụ thể, quyết liệt, một bộ phận nhỏ cán bộ quản lý và giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
CSVC kỹ thuật nhà trường ở nhiều địa phương vẫn còn thiếu thốn và lạc hậu như thiếu đất, trường, lớp; trường học chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, thiếu nhà vệ sinh, nước sạch; hệ thống thư viện còn nghèo nàn; thiết bị dạy học thiếu và hiệu quả sử dụng kém.
Công tác soạn thảo và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn rất chậm, không theo kịp yêu cầu phát triển. Công tác thống kê số liệu giáo dục không kịp thời, thiếu chính xác. Đến tháng 7/2008, đã có 42/64 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 42/64 tỉnh được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục THCS.
Tình trạng thiếu, thừa giáo viên ở các cấp học đã kéo dài nhiều năm, Bộ chưa chỉ đạo giải quyết có kết quả.
Trước thực trạng đó, Bộ GD-ĐT đã chỉ ra nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2008-2009, chú trọng đến việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá để nâng cao chất lượng giáo dục. Trước đó, Bộ đã tiến hành triển khai lấy ý kiến đánh giá chương trình, SGK và những chỉnh sửa cần thiết sẽ được tiến hành trong năm học này.
Đối với giáo dục phổ thông, triển khai dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng đối tượng HS. Cụ thể, đối với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Đạo đức, Giáo dục công dân sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá theo hướng khuyến khích tinh thần tự học và ý thức sáng tạo của HS, giảm yêu cầu thuộc lòng, nhớ nhiều sự kiện, không làm bài theo mẫu.
Các môn Mỹ thuật, Âm nhạc, Thủ công, Kỹ thuật, Thể dục, Giáo dục công dân, Công nghệ và các hoạt động ngoài giờ lên lớp được tổ chức dạy học phù hợp với thực tế địa phương và điều kiện nhà trường; coi trọng việc thực hành vận dụng, tổ chức hình thức dạy học linh hoạt theo hướng tích hợp; đánh giá sâu môn Thủ công, Kỹ thuật (ở cấp tiểu học) và môn GDCD (ở cấp trung học).