"So với năm trước, môn Sử điểm khá hơn, ít điểm liệt. Môn Văn ít lỗi ngô nghê, bài bị điểm 0 chủ yếu do lạc đề hoặc bỏ giấy trắng.... Nhìn chung, điểm dưới trung bình của 2 môn này chiếm nhiều hơn điểm trên trung bình. Do đó, để có cơ hội đỗ vào ĐH khối C, D năm nay thí sinh phải đạt 6-7 điểm/môn trở lên" - dự báo của một số cán bộ chấm thi hai môn Văn và Sử của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Môn Sử: Ít điểm 0
Trong 3 môn thi khối C (Văn, Sử, Địa), tính đến ngày 22/7, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã cơ bản chấm xong môn Sử. GS-TS Đỗ Thanh Bình, Chủ nhiệm khoa Sử, nhận xét: "Kết quả điểm thi môn Sử năm nay khá hơn năm 2007. Số bài điểm liệt giảm nhiều".
Ngoài chấm cho ĐH Sư phạm, ông Bình còn chấm môn thi Sử cho Học viện Hành chính quốc gia. Trong số hơn chục túi bài thi trực tiếp kiểm tra, số túi có 1-2 bài bị điểm 0 không nhiều. Tỷ lệ bài thi đạt 7, 8, 9 điểm xuất hiện nhiều hơn năm trước. Điểm cao nhất đạt 9,25.
Vẫn theo ông Bình, kết quả môn Sử đạt khá hơn do đề thi môn Sử năm nay đảm bảo độ phân hóa. Để kết quả bài thi ít điểm 0 hay nhiều điểm 0 một phần phụ thuộc vào cách ra đề. Và đề năm nay đã đạt yêu cầu, không quá khó...
Những bài thi bị điểm 0 là do hiểu lạc đề, trả lời không trúng câu hỏi, không có những lỗi ngô nghê như năm trước. Về cách diễn đạt, trong quá trình làm bài, chưa có thí sinh nào được thưởng điểm.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đào Thu Uyên, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cho rằng, trong số gần 100 bài trực tiếp chấm vòng 1 thì điểm đạt có sự phân hóa rõ nét. So sánh trong 3 túi bài thi, 1 túi có điểm đạt thấp hơn hẳn vì có nhiều điểm 0, nhưng có bài đạt điểm 9. Vẫn có bài thi làm đến 2 tờ giấy thi nhưng chỉ được 1 - 2 điểm do không hiểu câu hỏi.
Ít lỗi ngô nghê
Qua chấm thi cho gần chục trường có tổ chức thi tuyển sinh ĐH năm nay (Sân khấu Điện ảnh, Thương mại, Công đoàn, Học viện Chính trị quân sự, ĐH Mỹ thuật, ĐH Hà Nội...), Chủ nhiệm bộ môn Lý luận và phương pháp dạy học Ngữ văn (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) Nguyễn Quang Ninh cho biết: "So với năm 2007, đề thi môn Văn năm nay có độ phân hóa học sinh rõ hơn. Đồng thời, cho phép các trường lựa chọn được những thí sinh không chỉ học thuộc bài mà còn có khả năng cảm thụ Văn học". Có nghĩa, năm nay, trên nền kiến thức học thuộc thí sinh còn phải thể hiện cảm xúc, suy nghĩ riêng của mình.
Tuy nhiên, đề thi Văn khối C (câu 2) vẫn chưa chặt chẽ. Đề yêu cầu "học sinh cảm nhận về mảnh đất Tây Bắc nhưng có một số câu thơ đưa ra lại nói về địa danh khác" nên không tránh khỏi nhầm lẫn.
Ông Ninh cho biết: So sánh mặt bằng chung thì bài thi môn Văn năm nay ít lỗi ngô nghê. Chất lượng bài thi năm nay tốt hơn, không có bài nào sai quá lớn về kiến thức. Nếu năm trước, nhiều bài sai ngữ pháp, sai diễn đạt, sai viết hoa... thì năm nay lượng lỗi này giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, khi chấm thi, ông lại bị ức chế bởi những bài Văn chữ quá xấu. "Mặc dù, có những bài làm đối chiếu đáp án không sai ý, nhưng vì chữ quá xấu nên làm người chấm cứ do dự khi cho điểm. Thậm chí "luận đi luận lại" nhiều lần để... tránh thiệt thòi cho những thí sinh chữ đẹp cùng mức điểm", ông cho biết.
Ông nói: "Chấm Văn không chỉ là điếm ý, điếm chữ cho điểm mà còn thể hiện một phần nhân cách thông qua chữ và cách trình bày. Chứ, chấm Văn mà bị ức chế thì rất khó cho điểm cao...".
Đánh giá về chất lượng điểm bài thi môn Văn khối C, ông Ninh cho biết: "Trong số 5.000 bài đã chấm, tỷ lệ bài thi từ 7 điểm trở lên chiếm 10%. Số bài đạt trên trung bình chiếm khoảng 60%. Điểm 0 ít, chủ yếu do bỏ trắng. Điểm cao nhất là 9".