Vui buồn trên những trang văn học trò

08:20, 29/07/2008

Kỳ thi đại học đã đi qua, công tác chấm thi của các trường đại học cũng đã  khép lại. Là giám khảo của một hội đồng chấm thi chúng tôi đã được “thưởng thức” những sản phẩm tinh thần của các em, vui có buồn có.

Phải nói rằng  đề thi hay nên  nhiều em viết khá tốt, kiến thức chắc chắn, có kỹ năng làm bài và đã  có những bài viết có hồn giàu sức sáng tạo, mang đến sự hào hứng, phấn khởi cho người chấm.

 

Tuy nhiên bên cạnh đó thì thực sự chúng tôi đã gặp phải những bài thi cười ra nước mắt,thấm buồn trên trang viết của các em  với những lỗi rất thông thường. Chúng tôi tạm  thời thống kê ra đây những kiểu lỗi của các bài thi tuyển sinh

 

*Trước hết là lỗi chính tả, các em đã viết sai những chính tả đơn giản nhất “Mỵ cắt dây cởi chói và tự lấy dây chói mình vào cột chịu chết thay cho A Phủ”, “Mỵ phải làm lô lệ cho nhà thống lý Pá Cha khống biết đến bao giờ mới ra được ”

 

*Lỗi sai nhiều nhất thường gặp ở các bài thi là  bổ sung, thêm bớt tác phẩm, trích dẫn sai kiến thức : “Chao ôi,  nghệ thuật không phải là ánh trăng lửa đỏ, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là không đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than” .

 

“Khi Hoàng Cúc biết tin Hàn Mặc Tử mắc bệnh hủi, đã sang cửa hàng mua một tấm thiệp để gửi, trong tấm thiệp có lá trúc, hàng cau trong đó có ghi “Chúc chư huynh sớm khỏi bệnh” mà không ký tên gửi cho Hàn Mặc Tử”.

 

“Quản ngục khum khum đến ngồi bên cạnh Huấn Cao”, “Ba con người chụm đầu vào nhau để xem chữ”, “Vì trong ngục ẩm ướt, suốt ngày muỗi rệp quản ngục gãi lưng cho Huấn Cao để mong xin được chữ”.

 

‘’Không có tiền buộc anh phải làm thuê cho Pa Tra, A Phủ  được giao cho một đàn ngựa để chăn, nhưng một sự cố bất ngờ đã xảy ra với anh là cả đàn ngựa bỗng dưng bị một con  hổ ăn thịt, anh bị bắt trói vào cột cho đến khi người nhà Patra tìm thấy con ngựa nếu không Aphu sẽ phải chết thay. Van xin một hồi rằng mình có thể tìm thấy con hổ đã ăn thịt con ngựa kia,  nhưng không được chấp nhận APhủ đành chờ chết. ”, “Mỵ là người con gái trẻ đẹp nhất vùng, góc giường mà Mỵ nằm có những chàng trai yêu Mỵ, mến Mỵ thường lui tới, cho nên mòn cả chân giường”, “ASử bước vào buồng Mỵ không ngần ngại với thúng dây đay trói đứng Mỵ ở góc nhà, A Sử còn cột cả tóc Mỵ vào để đầu Mỵ đỡ ngọ nguậy, thật độc ác!”, “Trông một thời gian ngắn Mỵ đã quyết định cắt dây trói cho A Phủ  Mỵ chỉ kịp nấc lên một tiếng “Đi ngay ” nhưng A Phủ đã quá yếu, nhưng đứng trước cái chết có thể đến nơi, A Phủ vùng lên lao về phía trước lăn xuống dốc. ”, “Trong đêm tối không còn một bóng người Mỵ sẵn sàng quên mình để cứu A Phủ, trước khi A Phủ đi Mỵ dặn với theo: A Phủ hãy chạy đi đừng quay lại với bọn dã man này”.

 

* Có những “dị bản” được kể như truyện cổ tích hiện đại: “Vào đêm thứ 3 A Phủ bị trói Mỵ đã nghĩ đến việc sẽ cứu A Phủ, cả nhà đã ăn cơm, và uống rượu xong, Mỵ để giành một nắm cơm, khi đã về khuya, Mỵ ra chỗ A Phủ ăn , rồi Mỵ cởi trói cho  A Phủ. Được cứu A Phủ đã rủ Mỵ đi cùng nhưng Mỵ không đủ sức để đi nữa”.“Những tưởng rằng hai vợ chồng chịu khó làm ăn là có thể trả nợ được nhưng đâu ngờ khi chưa lấy nhau họ đã nghèo bây giờ lại càng nghèo hơn khi phải nuôi thêm mấy đứa con nữa. Gia đình Mỵ ngày ngày chăm chỉ làm ăn mong sớm có tiền để trả nợ nhưng đến khi mẹ của Mỵ qua đời gia đình cô vẫn không thể trả được nợ, thậm chí không có tiền để lo tang cho mẹ, từ đó mấy bố con Mỵ nương tựa vào nhau để sống. Mỵ cảm thấy rất đau khổ cho số phận nhỏ bé của mình, cô còn tìm đến cái chết để giải thoát cho mình. Nhưng trên đôi vai bé nhỏ của cô vẫn còn gánh nặng về người cha già và em nhỏ của cô nữa, cô rất thương cha và em nên cô đã can tâm làm thân trâu ngựa cho nhà thống lý”.

 

 “Lúc đầu Mỵ thấy A Phủ thì không nói gì, sau nghe kể và biết hoàn cảnh của A Phủ cũng giống mình, cô thấy thương vô cùng, nghĩ đi nghĩ lại cô đã quyết định giải thoát cho chàng. khi cởi trói cho  A Phủ thì A Phủ nói ta không thể bỏ nàng ở đây được nhưng  Mỵ đã đẩy A Phủ, giục A Phủ đi mặc kệ nàng”.

 

Một thí sinh khác viết: “Màn đêm buống xuống bao phủ cả không gian. Mỵ chạy đến bên A Phủ, và bảo A Phủ  à tỉnh dậy đi mau lên, ta đến cứu chàng đây. Mỵ cắt dây thừng cởi trói cho A phủ. A phủ nói thế nàng không đi sao. Nếu tôi đi thì nàng ở đây sẽ bị họ tra tấn dã man lắm đấy. Hãy đi cùng tôi, tôi sẽ che chở cho nàng...”.

 

Có những bài viết xuyên tạc tác phẩm “Vì đánh nhau với  A Sử nên A Phủ đã bị bắt  vào nhà thống lý khi được biết tin A Phủ bị bắt  Mỵ rất lo lắng, không biết làm thế nào để cứu thoát cho A Phủ vì  A Phủ là người tình của Mỵ. Hai người yêu nhau say đắm thì Mỵ bị bắt  vào nhà thống lý và họ đã lâu không gặp nhau...Sau khi cởi trói cho  A Phủ hai người ôm nhau khóc, hai người chẳng biết làm thế nào để thoát, bí quá hai người nghĩ đến con đường bỏ trốn. ”

 

*Bài thi cải biên tác phẩm, trong quá trình làm bài, thí sinh đã trích dẫn sai rất nhiều, khi viết về bài thơ Tây Tiến có thí sinh trích dẫn  câu thơ của Quang Dũng sai đến “dễ sợ”: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa/ Kìa em xiêm áo cởi bao giờ”. Viết về Đây mùa thu tới của Xuân Diệu, thí sinh liên tưởng tới câu thơ trong bài “Cuối thu” của Hàn Mặc Tử, nhưng tiếc rằng mỗi câu ở một bài khác nhau, và sự trích dẫn cũng không đúng: “Cây gì mảnh khảnh run cầm cập/ Đợi gió đông về gầy xác xơ ”. “Huấn Cao đập một cái một đàn nhện bay ra”

 

*Lỗi diến đạt ở các bài thi thường thiên về kể dài dòng, diễn đạt lủng củng, hiểu không đúng tác phẩm, hiểu sai câu thơ, đoạn thơ “Mùa thu trong thơ Xuân Diệu cũng vắng vẻ không có sự xuất hiện của con người, mùa thu có thể nói đó là mùa mà dường như các loài cây cũng đang lim dim ngủ”, “ Tác giả dùng từ hơn để nói lên số lượng nhiều, nhiều loài hoa đã rụng cành, nghĩa là xuân sắp trôi đi, hoặc là xuân sắp qua, mùa xuân hoa nở, khi hoa hé nở thì xuân đã về. Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh, Xuân Diệu cảm nhận xuân bằng mắt, tai nghe, sử dụng từ láy run rẩy, rung rinh những luồng gió bay xa cùng mùa xuân, ta cảm nhận được thơ Xuân Diệu thật say mê.”, “Vậy mà lúc này thì Gió theo lối gió mây đường mây, vì sao thế ? có lẽ đã có chuyện gì xảy ra mà chúng xa nhau như thế. Dòng nước thì buồn thiu, buồn thối thế mà ven sông nơi phù sa bồi đắp hoa bắp lại đung đưa, lay qua lay lại như muốn cợt trêu người.”.

 

* Nhiều bài viết không có mạch văn, tư duy lộn xộn nhớ đâu nói đấy: “Nhìn thấy A Phủ, Mỵ thương người lại nghĩ đến thân, Mỵ hiểu rằng có áp bức thì có đấu tranh, tức nước vỡ bờ, đấu tranh là hạnh phúc, hành động của Mỵ đã khẳng định mọi người đều có quyền tự do và bình đẳng. Vợ chồng A Phủ đã khẳng định một bản án đanh thép giáng xuống kẻ thù. Con người Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng sẵn sàng hy sinh xương máu để đổi lấy tự do”, “Mỵ sợ nếu bỏ trốn theo  A Phủ thì bị mang tiếng là đi theo trai nên đã ở lại” ...

 

Chuyện dạy văn học văn nói mãi mà không hết, một mùa thi tuyển sinh nữa đã qua đi, chúng ta hiểu hơn về  những khiếm khuyết của học trò trong kiến thức bộ môn. Các em còn thiếu hụt nhiều về ngữ pháp tiếng Việt, về kiến thức xã hội, và đặc biệt là kiến thức tác phẩm, kỹ năng lập luận trình bày ý, viết đoạn văn. Tất nhiên, qua đây mỗi học trò đều cần phải tự ý thức được việc học bộ môn Văn như thế nào để có thể đáp ứng được yêu cầu. Còn người dạy cũng hiểu hơn về công tác giảng dạy của mình, làm thế nào để trang bị cho các em những kiến thức cần thiết nhất, giúp các em yêu văn, say mê đọc tác phẩm, thể hiện được những nhận thức đúng đắn của mình về tác phẩm, về con người và cuộc đời trên những trang văn.