Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, ngành Giáo dục- Đào tạo huyện Đại Từ đã xây dựng Đề án xây dựng trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2005-2010 nhằm đề ra những kế hoạch cụ thể và những giải pháp khả thi để thực hiện Đề án một cách hiệu quả nhất, phấn đấu đến năm 2010 toàn huyện có 49/98 trường đạt chuẩn Quốc gia ở tất cả các bậc học từ mầm non, tiểu học đến THCS.
Sau 3 năm triển khai, thực hiện Đề án, trên địa bàn huyện Đại Từ đã có 19/49 trường đạt chuẩn Quốc gia: Bậc học mầm non có 7/13 trường theo kế hoạch; tiểu học có 9/23 trường; THCS có 3/13 trường; có 3 xã có cả 3 trường đều đạt chuẩn Quốc gia là Hà Thượng, thị trấn Đại Từ, Bản Ngoại. 100% các trường đạt chuẩn đều thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương thực hiện tốt mục tiêu giáo dục-đào tạo của từng bậc học. Các trường thực hiện đầy đủ, nền nếp hoạt động chuyên môn, chăm lo đời sống cho giáo viên, cán bộ, công nhân viên.
Hoạt động của các đoàn thể trong các nhà trường tốt, các trường đã phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với phụ huynh học sinh trong các hoạt động. Hiệu trưởng các nhà trường 100% đạt chuẩn và đã được học qua lớp quản lý nhà trường về giáo dục-đào tạo; phó hiệu trưởng các nhà trường đạt trình độ đào tạo, có đủ năng lực giúp hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ. 100% các nhà trường xây dựng được kế hoạch phát triển giáo dục cho từng năm học và dự báo cho những năm học tiếp theo, có biện pháp thực hiện kế hoạch đúng tiến độ. Việc thực hiện thu chi hợp lý, đảm bảo đúng nguyên tắc tài chính của Nhà nước. Có ý thức bảo quản và bổ sung cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động dạy và học. Hằng năm xây dựng kế hoạch hoạt động nhằm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và hoàn thành các chỉ tiêu ké hoạch đặt ra. 100% các nhà trường có đủ hội đồng tư vấn, các tổ chức Đảng, công đoàn đều hoạt động tốt, được công nhận trong sạch vững mạnh. Giáo viên ở các bậc trọng đều có tỉ lệ trên 99% đạt chuẩn và trên chuẩn. Hiện nay các trường THCS đã bố trí đủ giáo viên, nhân viên phụ trách văn thư, thí nghiệm, hành chính và được bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm.
Về xây dựng cơ sở vật chất, ở bậc học mầm non có 25/33 đơn vị đủ diện tích sử dụng; thiếu 115 phòng học thuộc 24 trường; 12 trường vẫn còn 50 phòng học tạm; có 8/33 trường có phòng y tế, chăm sóc sức khoẻ cho trẻ; 14/33 trường có khu vực nhà bếp đủ điều kiện theo quy định. Bậc tiểu học 33/35 trường đủ diện tích theo tiêu chuẩn quy định; 35/35 trường có thư viện đạt chuẩn; 19/35 trường có phòng y tế học đường đạt chuẩn; 35/35 trường có công trình vệ sinh đạt chuẩn về quy cách… Bậc THCS có 23/30 đơn vị có đủ diện tích theo quy định; 3/30 trường thiếu phòng học phải học 2 ca; 26/30 trường còn thiếu phòng học chức năng; 30/30 trường có thư viên đạt chuẩn; 25/30 trường có công trình vệ sinh riêng biệt của giáo viên và học sinh….
Từ các kết quả trên, Ngành Giáo dục-Đào tạo huyện Đại Từ tiếp tục rà soát các đơn vị đăng ký xây dựng chuẩn giai đoạn 2006-2010, bổ sung những trường có khả năng đạt chuẩn, loại bỏ những truờng không có khả năng đạt chuẩn Quốc gia trong giai đoạn trên, phấn đấu đến năm 2010 toàn huyện sẽ có 35/35 trường tiểu học; 24/33 trường mầm non; 16/30 trường THCS đạt chuẩn Quốc gia.
Ngoài những giải pháp đã được đưa ra trong Đề án, những năm tiếp theo Ngành Giáo dục-Đào tạo huyện Đại Từ bổ sung thêm một số giải pháp sau: Kết hợp, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn kiên cố hoá trường lớp giai đoạn 2008-2010; sử dụng các nguồn vốn khác do phụ huynh đóng góp, tiết kiệm của ngành; nguồn kinh phí của các địa phương, các tổ chức tài trợ… Các xã, thị trấn đưa nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn Quốc gia của địa phương vào chương trình chỉ đạo của Đảng bộ, hàng năm có đánh giá về mức độ chuyển biến và tiến bộ của các nhà trường theo từng chuẩn. Mục tiêu này được quán triệt sâu sắc đến các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội…