Không lo thiếu vốn cho học sinh, sinh viên vay

09:42, 21/08/2008

"Tôi xin nói rõ, hiện gia đình nào cần vay vốn cho con em đi học, chỉ cần tiếp cận với trưởng thôn và UBND xã". Bà Hà Thị Hạnh, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên xung quanh chính sách vay vốn dành cho học sinh, sinh viên.

Không thiếu vốn cho vay

 

Thưa bà, sơ kết một năm cho vay học sinh, sinh viên cho thấy, tỷ lệ cho vay đại học nhiều hơn so với cho vay trung học và dạy nghề. Trong bối cảnh đất nước “thừa thầy thiếu thợ” thì việc cho vay này có thực sự có ý nghĩa không?

 

Đúng là lâu nay đối tượng vay chủ yếu là học sinh sinh viên đại học và cao đẳng, tỷ lệ này chiếm 66,2% tổng số học sinh, sinh viên vay vốn. Trong khi đó, người học nghề vay tiền còn thấp, mới đạt 8,6%.

 

Tuy nhiên, trong chuyện này chúng tôi không có sự phân biệt nào cả.  Thực tế là đối tượng học nghề ít đến vay hơn nên mới có tỷ lệ thấp như vậy. Có lẽ, đó là do cơ cấu tự nhiên trong xã hội: sinh viên đại học, cao đẳng nhiều hơn học nghề chăng?

 

Nếu nhu cầu vay vốn của học sinh sinh viên năm nay lớn hơn năm trước, liệu Ngân hàng Chính sách có đủ vốn cho vay không?

 

Thường trực Chính phủ đã quyết định trong 5 năm tới, sẽ dành 2 tỷ USD cho việc này và giai đoạn tiếp đó sẽ là 2 tỷ USD nữa.

 

Hiện tỷ lệ người vay còn thấp, vì thế chúng ta vẫn không lo thiếu vốn. Hơn thế, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động để tăng tỷ lệ học sinh, sinh viên được vay vốn học tập.

 

Hiện, chúng tôi cũng đang bàn bạc để đưa ra một mức cho vay hợp lý hơn, thay vì mức 800 nghìn đồng/tháng như hiện nay. Có thể sẽ nâng lên 1 đến 1,2 triệu đồng/ tháng. Quyết định điều chỉnh này sẽ đưa ra trước ngày 20/8 tới.

 

Chỉ cần tiếp cận với trưởng thôn và UBND xã

 

Nhiều ý kiến của học sinh, sinh viên cho rằng, họ vẫn rất khó khăn để làm thủ tục vay vốn, có bạn muốn vay nhưng không biết tiếp cận bằng cách nào, trong khi đó, vẫn có không ít trường hợp vay không đúng đối tượng. Bà có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

 

Trên thực tế, chúng tôi đã có thông báo và những quy định rõ ràng, trực tiếp đến từng địa phương về thủ tục cho vay học sinh, sinh viên.

 

Tuy nhiên ở một số nơi, UBND cấp xã còn lúng túng trong việc xác định tiêu chí và cách tính toán, thống kê thế nào là hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, dẫn đến việc gây chậm trễ trong việc cho vay vốn.

 

Cũng tại một số địa phương, quy trình cho vay chưa chặt chẽ, nhiều tổ chức hội, đoàn thể chưa theo dõi để tuyên truyền, phổ biến rõ ràng và kịp thời những chính sách, dẫn đến việc nhiều hộ gia đình và các em học sinh chưa nắm được những thông tin xung quanh chính sách về tín dụng đối với học sinh, sinh viên..

 

Bên cạnh đó, một số xã xác nhận chưa đúng đối tượng hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng này, dẫn đến việc người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa tiếp cận đựơc chính sách này và ngược lại.

 

Tuy nhiên, tôi xin nói rõ, hiện nay gia đình nào cần vay vốn cho con em đi học, chỉ cần tiếp cận với trưởng thôn và UBND xã. Nếu gia đình đó đủ điều kiện, không có lý do gì để không được vay.

 

Thu hồi vốn cũng cần có thời gian

 

Nói đến việc cho vay sai đối tượng, phía Ngân hàng Chính sách có nắm được những trường hợp này không? Những trường hợp đó sẽ bị xử lý như thế nào?

 

Vừa rồi, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hậu kiểm công tác này.

 

Qua kiểm tra 400 nghìn hộ thì phát hiện hơn 400 hộ sai đối tượng và sử dụng vốn sai mục đích, chiếm tỷ lệ 1% số vốn đã giải ngân cho 400 nghìn hộ nói trên. Trong đó, có 357 xã xác định cho vay sai đối tượng.

 

Sau khi phát hiện, chúng tôi đã buộc các đối tượng này hoàn trả số tiền đã vay, còn các xã sẽ phải cam kết không cho vay sai và kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

 

Vậy, công tác thu hồi vốn đã được tính đến như thế nào, trong khi một bộ phận học sinh sau khi ra trường vẫn thất nghiệp, hoặc lương quá thấp?

 

Quyết định 157/2007/QĐ-TTg mới ra đời nên đến thời điểm này chưa có nhiều học sinh, sinh viên trả nợ vay vốn. Tuy nhiên, qua các chương trình khác của chúng tôi như xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động… chúng tôi tin tưởng vào sự thu hồi vốn của chính sách tín dụng này.

 

Hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội đang phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội , chính quyền địa phương theo dõi học sinh, sinh viên trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp.

 

Cụ thể, trước khi tốt nghiệp, các nhà trường yêu cầu những học sinh và gia đình đã vay vốn phải làm giấy cam kết trả nợ, phải thông báo cho nhà trường và địa phương địa chỉ đơn vị công tác khi có việc làm, có thu nhập.

 

Sau khi ra trường một năm chúng tôi bắt đầu tính chuyện thu hồi vốn. Tuy nhiên, nếu sinh viên đó vẫn chưa tìm được việc làm ổn định, chúng tôi sẽ lùi thời hạn này lại trong vòng 5 năm.

 

Với chương trình này, chúng tôi cũng  xác định ngay từ đầu đây là chương trình có khối lượng tín dụng lớn, có thời hạn vay vốn dài, bình quân trên 10 năm, trong đó, 5 năm đầu chưa có thu nợ quay vòng. Vì thế, nguồn vốn cũng cần  được bố trí dài hạn và ổn định.

 

Mặt khác, cho vay đối với học sinh, sinh viên cũng nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, vì thế cần phải có thời gian, ngay cả trong việc thu hồi vốn.