Bộ GD-ĐT vừa tổ chức Hội thảo góp ý cho "Chiến lược phát triển GD Việt Nam" giai đoạn 2008-2020. Đây là dự thảo lần thứ 7 với 11 nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy GDVN tiến lên. Đây cũng là lần góp ý quy mô nhất từ trước tới nay với thành phần tham dự là lãnh đạo nhiều trường ĐH- CĐ, nhiều sở GD-ĐT trong cả nước.
Khi đề ra chiến lược bao giờ có các chỉ tiêu được xem như mục tiêu cần đạt?
Chỉ tiêu 10% học sinh sau THCS được phân luồng vào học tại các trường nghề và trung cấp chuyên nghiệp không biết có khả thi, trong khi hiện nay, theo thống kê của ngành GD, con số này chưa được 1%. Hơn 10 năm nữa, từ 1% có lên được 10%? Ấy là chưa kể tới một thực tế là, tỉnh nào cũng có trường ĐH thì học sinh có mặn mà với nghề và trung cấp chuyên nghiệp?
Dự thảo của chiến lược cũng nêu ra là tới 2020, 30% giảng viên ĐH phải có trình độ tiến sỹ. Trong khi đó, cách đây 3 năm, Nghị quyết 14/2005/ NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện GDĐH VN giai đoạn 2006-2020 đã đưa ra con số 35% giảng viên ĐH đạt trình độ tiến sỹ.
Cách đây 2 năm, Đề án quy hoạch mạng lưới các trường ĐH-CĐ của Bộ GD-ĐT 2006-2007 đã được Thủ tướng phê duyệt thì lại phấn đấu 75% giảng viên ĐH là tiến sỹ?!
Một vị trong ngành GD cho biết, cứ lấy “bức tranh làm tiến sỹ” hàng năm trừ đi số về hưu, cộng với đề án 20.000 tiến sỹ thì cũng còn xa mới đạt tới tỷ lệ 30% giảng viên ĐH có trình độ tiến sỹ vào năm 2020. Vị này cho biết thêm, ngay cả chỉ tiêu đến 2010 (trong Nghị quyết 14/2005/ NQ-CP), có 40% SV thuộc các cơ sở GDĐH ngoài công lập cũng rất xa vời. Điều này thì có thể thấy rõ bởi năm nay đã là 2008 mà mới chỉ có đâu gần 13% SV thuộc các trường ngoài công lập.
Chưa hết, Dự thảo chiến lược đưa ra mục tiêu đến 2015, 95 % trẻ 5 tuổi được vào mẫu giáo. Thế nhưng cách đây 2 năm, Quyết Định 149 /2006 /QĐ- TTg của Thủ tướng chính phủ lại đưa ra yêu cầu đến 2015, 99% trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo. Chiểu theo Quyết định 149 kia thì đến 2020 chiến lược của ngành cũng không với tới. Bởi đến cái mốc 2020, ngành cũng chỉ dám đưa ra còn số 98%.
Một vị có trách nhiệm trong ban soạn thảo bản chiến lược này cho hay, các chỉ tiêu đưa ra lần này thấp, song như thế vẫn được xem là “có nhiều tham vọng”. Nói như vậy có nghĩa, những người soạn thảo bản chiến lược này không phải không biết tới các chỉ tiêu trong các nghị quyết, quyết định, đề án … trước đây. Vậy tại sao lại có độ vênh ở mục tiêu đề ra giữa nghị quyết và chiến lược như vậy?