Hiện nay các trường trên địa bàn Thái Nguyên đang tích cực chuẩn bị để tổ chức tốt Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường (5/9). Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Nguyên có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Duy Vỵ, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GD-ĐT về công tác chuẩn bị của ngành cho năm học mới.
PV: Công tác chuẩn bị cho năm học mới đã được Ngành GD-ĐT của tỉnh triển khai đến đâu thưa đồng chí?
Đ/c Lê Duy Vỵ: Trong dịp hè, ngành đã cử các giáo viên cốt cán đi tập huấn các chương trình do Bộ GD-ĐT tổ chức. Sau đó, mở các hội nghị tập huấn tới đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, bậc học. Sở tổ chức tập huấn riêng cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 12 (năm nay thay sách giáo khoa) và cấp 2.125 bộ sách cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 12 THPT và bổ túc THPT. Đối với học sinh thuộc diện chính sách ở các vùng đặc biệt khó khăn được tặng sách giáo khoa, Sở đã chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các nhà trường thống kê và cấp đủ sách trước khi bước vào năm học mới. Về trang thiết bị dạy học phục vụ cho việc thay sách giáo khoa lớp 12 đã được UBND tỉnh phê duyệt kết quả đấu thầu với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng. Từ ngày 15 đến 29/8, các nhà thầu cấp phát thiết bị cho các trường.
Về cơ sở vật chất, trong năm học vừa qua và chuẩn bị cho năm học mới, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới 317 phòng học kiên cố, sửa chữa lớn 420 phòng học. Ngành đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án xây dựng các trường mới thành lập như: THPT Hoàng Quốc Việt, THPT Trần Phú (Võ Nhai), THPT Lưu Nhân Chú (Đại Từ), THPT Lương Phú (Phú Bình) đảm bảo đúng tiến độ. Về thực hiện Đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt thiết kế mẫu dự toán các loại phòng học và nhà công vụ, phấn đấu trong năm 2008 xây dựng 10% số phòng theo kế hoạch. Đề nghị UBND các huyện trong quá trình thực hiện Đề án, ưu tiên xây dựng phòng học cho các nhà trường ở các xã vùng khó khăn đang thiếu phòng học hoặc có nhiều phòng học tạm.
PV: Những năm học trước ở một số trường vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, thiếu đồng bộ về các bộ môn, vậy năm học này ngành đã có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Đ/c Lê Duy Vỵ: Năm học 2008-2009, về cơ bản đã bố trí đủ giáo viên cho các cấp học, ngành học. Ngành chỉ đạo việc tổ chức điều chuyển giáo viên theo kế hoạch hằng năm đảm bảo công khai. Phân cấp việc hợp đồng giáo viên và tuyển dụng viên chức giữa ngành và các huyện. Năm học 2008-2009, còn thiếu khoảng 120 giáo viên, môn thiếu nhiều nhất là Lý, Hoá. Căn cứ vào nhu cầu thực tế các môn học, các trường sắp xếp và thực hiện hợp đồng thêm số giáo viên thiếu. Bên cạnh đó, hiện nay ngành và các huyện đang triển khai xét tuyển viên chức theo Quyết định số 44/QĐ-UB của UBND tỉnh.
PV: Bộ GD-ĐT xác định chủ đề năm học 2008-2009 là "Năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", vậy ngành GD-ĐT đã đề ra giải pháp gì nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ năm học?
Đ/c Lê Duy Vỵ: Bộ GD-ĐT chỉ đạo 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới. Căn cứ vào đó, Ngành chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" với yêu cầu đặc thù của ngành là gắn chặt với Cuộc vận động "Hai không" và Cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo" và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Ngay đầu năm học, các trường tiến hành phổ biến quy định đạo đức nhà giáo theo quyết định của Bộ GD-ĐT; tổ chức tốt việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ với ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng trong cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh của đơn vị mình. Khắc phục cơ bản việc học sinh bỏ học, cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp và các tiêu cực trong thi, kiểm tra tại đơn vị mình quản lý. Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành quản lý và đổi mới phương pháp giảng dạy. Thực hiện phân cấp quản lý tài chính cho các cơ sở giáo dục nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở. Công khai chất lượng đào tạo, các điều kiện về tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ và thu chi tài chính. Đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra việc phân bổ sử dụng ngân sách giáo dục, việc thu và sử dụng học phí, các khoản đóng góp tự nguyện của người dân và các tổ chức cho nhà trường, cũng như thực hiện chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Phấn đấu năm học 2008-2009, mỗi cấp học, ngành học ở các huyện, thành, thị, các trường THPT có một đơn vị đạt tiêu chuẩn "trường học thân thiện, học sinh tích cực"
Xin cảm ơn đồng chí