Trường THCS Yên Lạc: Nhiều khó khăn về cơ sở vật chất

10:45, 25/08/2008

Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là tới ngày khai giảng năm học mới, thế nhưng thời điểm này, thầy trò Trường THCS Yên Lạc (Phú Lương) vô cùng lo lắng vì các phòng học tạm xuống cấp nghiêm trọng, nếu không được sửa chữa kịp thời khó có thể đảm bảo cho việc dạy và học.  

Dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở vật chất Nhà trường, cô giáo Bùi Thị Xuân, Phó Hiệu trưởng Nhà trường nói: “Tôi về trường công tác đã được 11 năm nay thì các phòng học tạm này cũng tồn tại suốt từ đó tới nay. Mãi đến năm học 2001 - 2002, Trường được đầu tư xây dựng 5 phòng học cấp bốn, cộng với 8 phòng học tạm bằng tranh tre nứa lá này, đến nay Trường có 13 phòng học. Trong 5 phòng học cấp bốn, Nhà trường phải dành ra một phòng để thiết bị, đồ dùng dạy học, như vậy chỉ còn 4 phòng học kiên cố. Khu nhà hiệu bộ là căn nhà cấp bốn cũng phải ngăn ra làm thư viện, phòng Đoàn Đội, phòng hội đồng và ban giám hiệu.

 

Ngoài thiếu phòng học, Trường chưa có phòng thí nghiệm, các phòng học chức năng cũng như nơi để các tổ chuyên môn sinh hoạt nghiệp vụ và tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Do vậy, ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học. Năm học này Trường có 10 lớp với 402 học sinh. Để có phòng học bồi dưỡng cho học sinh yếu và học sinh giỏi, Trường phải bố trí học 1 buổi/ngày”.

 

Quan sát thực tế chúng tôi nhận thấy các phòng học làm bằng tre, nứa, bên ngoài trát đất, bên trên lợp lá cọ, qua nhiều năm sử dụng nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Lớp đất trát tường đã bở ra trơ lại những que tre làm lõi. Nước mưa từ trên mái xuống làm nền đất phòng học nhão nhoét. Đứng bên trong phòng học nhìn ra bên ngoài thông thống như chiếc chuồng trâu của các hộ dân. Nếu trời mưa, nước hắt vào hoặc vào những buổi sáng mùa đông tiết trời u ám không thể tổ chức dạy học được vì lớp không có bóng điện. Ngoài chiếc bảng gỗ cũ nát, bàn ghế cái còn cái mất chân, thì không có bất cứ phương tiện gì phục vụ việc đổi mới phương pháp dạy học.

 

Được biết, học sinh của xã Yên Lạc chủ yếu là dân tộc Sán Chí. Xã có 5 xóm thuộc vùng đặc biệt khó khăn, các em học sinh của các xóm này được Nhà nước tặng sách giáo khoa. Cũng do tỷ lệ hộ nghèo của xã cao, nên phần lớn các khoản đóng góp của các em được miễn giảm. Năm học 2007-2008, số tiền xây dựng mà toàn Trường thu được khoảng 29 triệu đồng. Trong khi đó dự toán xây 1 phòng học kiên cố hiện nay là trên 100 triệu đồng. Như vậy, tiền xây dựng thu trong 4 năm học của Trường mới đủ tiền đầu tư xây dựng 1 phòng học kiên cố. Số tiền xây dựng mà Trường thu hiện nay đều bàn giao cho xã quản lý, một phần trả nợ các phòng học đã đầu tư, một phần để sửa chữa các phòng học.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Quang Thế, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc cho biết: Xã đã nhận được tờ trình của Trường về sửa chữa 8 phòng học tạm. Chúng tôi đã giao cho đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách văn xã cùng Hội Phụ huynh học sinh và Nhà trường xem xét tình hình cụ thể để sửa chữa xong trước khai giảng năm học mới. Không phải xã không quan tâm đến tương lai của con em trong xã, mà do điều kiện kinh tế của địa phương quá khó khăn nên việc huy động đóng góp xây dựng trường là không thể. Năm học 2001-2002, UBND xã đứng ra vay 400 triệu đồng đầu tư xây dựng 15 phòng học (Trường tiểu học 10 phòng, THCS 5 phòng), đến nay mới trả nợ được 235 triệu đồng. Kỳ họp HĐND xã lần thứ 10 vừa tổ chức đề ra mức thu mỗi học sinh THCS đóng 160 nghìn đồng tiền xây dựng/năm, nhưng bàn đi bàn lại cuối cùng rút xuống 140 nghìn đồng/năm. Nếu thu tiền xây dựng cao lên để trả nợ tiền đầu tư xây dựng phòng học trong các năm học trước thì học sinh sẽ bỏ học.  Vì vậy, nếu chỉ trông vào khoản đóng góp xây dựng của học sinh thì không biết bao giờ Yên Lạc mới có trường ra trường, lớp ra lớp, chưa nói đến việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia như các nơi khác trong huyện…

 

Qua xem kế hoạch thực hiện Đề án kiên cố hoá trường, lớp, nhà công vụ cho giáo viên của huyện Phú Lương, chúng tôi thấy theo kế hoạch năm 2009, Trường THCS Yên Lạc mới được đầu tư xây dựng 8 phòng học. Trong khi đó nhiều trường khác trên địa bàn huyện hiện không còn phòng học tạm nhưng lại được đầu tư xây dựng trước. Thiết nghĩ, huyện cần xem xét cụ thể cơ sở vật chất của các trường ở các xã vùng khó khăn để ưu tiên xây dựng trước, giúp giáo viên và học sinh yên tâm giảng dạy và học tập. Cùng với đó, trong khi chờ Nhà nước đầu tư, UBND xã Yên Lạc cần nhanh chóng sửa chữa các phòng học tạm để Nhà trường tổ chức giảng dạy đúng kế hoạch năm học 2008-2009.



lộ trình học ielts 5.0