Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà ra đời, ngày 3-9, trong phiên họp đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó chống nạn mù chữ là nhiệm vụ cấp bách thứ hai sau chống giặc đói. Mặc dù điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, cả Thị xã Thái Nguyên dồn hết sức cho kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng ngay sau lời phát động “diệt giặc dốt” của Bác, nhân dân Thái Nguyên đồng lòng hưởng ứng.
Đầu năm 1946, cả Thị xã Thái Nguyên mới có 1 trường tiểu học đặt ở gần Nhà kho bạc và Nhà dây thép (bưu điện), giờ là khu đất của 2 Trường tiểu học và THCS Trưng Vương. Trường chia thành 2 khu, 9 lớp học. Khi có lời kêu gọi của Bác, lực lượng nòng cốt là giáo viên ban ngày dạy chính khoá, tối dạy các lớp bình dân học vụ, rồi những người biết chữ dạy những người không biết. Lớp học được tổ chức ở khắp nơi trong tỉnh, từ sân kho của hợp tác xã tới nhà dân. Già trẻ, gái, trai đều hào hứng sách đèn dầu đi học. Dù dạy bình dân học vụ không có chế độ gì song không ai đòi hỏi, bởi tinh thần hiếu học của người dân đã làm vợi đi những khó khăn vất vả của đội ngũ giáo viên. Từ tỉnh đến các huyện đều thành lập được bình dân học vụ. Bà Đặng Thị Mỵ, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) kể: “Tôi được tham gia lớp học bình dân học vụ ngay từ đầu năm 1946. Lớp được tổ chức ở khu đất của Trường tiểu học Trưng Vương bây giờ. Dù điều kiện học tập khó khăn, song ai cũng hào hứng đi học theo lời kêu gọi của Bác. Ngoài biết chữ, chúng tôi còn được giác ngộ cách mạng".
Năm 1954, hoà bình trên miền Bắc đã đưa đất nước vào thời kỳ khôi phục và xây dựng kinh tế. Kế hoạch 3 năm (1956-1958) thanh toán mù chữ cho đối tượng trong độ tuổi lại được dấy lên phong trào bình dân học vụ. Biết đọc, biết viết và tiếp tục nâng cao trình độ văn hoá cho toàn dân đã đặt bổ túc văn hoá lên nhiệm vụ hàng đầu của Ngành Giáo dục. Đây cũng là thời kỳ bổ túc văn hoá phát triển với nhiều loại hình trường lớp như: Bổ túc công nông, thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa... Trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian này đã mở được hàng chục lớp bình dân học vụ. Từ phong trào này, hàng nghìn người ở Thái Nguyên đã đọc thông, viết thạo.
Đầu những năm 1960, Đảng, Nhà nước đề ra kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, trong đó quyết định xây dựng khu công nghiệp luyện kim Gang thép. Hàng ngàn thanh niên mang bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, lý tưởng cộng sản từ khắp nơi đổ về bạt núi, san đồi, đặt những viên gạch đầu tiên xây lò cao, xưởng máy. Thực tế cho thấy, hầu hết công nhân trẻ chỉ tốt nghiệp cấp 1, cấp 2 trình độ văn hoá hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến. Trước tình hình trên, lãnh đạo Xí nghiệp liên hợp Gang thép đã bàn bạc và quyết định mở Trường bổ túc văn hoá cấp 3 tại chức Gang thép tại đồi F. Trường chỉ có 11 giáo viên. Nhà trường được giao nhiệm vụ tổ chức dạy bổ túc văn hoá cấp 3, lớp thương binh học 1 năm xong chương trình cấp 2, lớp ngoại ngữ cho đội ngũ kỹ sư. Đất nước đang còn chiến tranh, đời sống vô cùng khó khăn. Ban ngày các thầy cô vào rừng Trại Cau lấy tre nứa làm nhà ở cho mình và phòng học cho học viên, người ở nhà đào địa đạo để tránh bom thù, tối đến lại tay đèn dầu, tay túi sách đem kiến thức văn hoá thắp lên cho lớp thanh niên xây dựng khu gang thép ngọn lửa của niềm tin.
Hơn 30 năm xây dựng sau ngày đất nước thống nhất, nhiệm vụ chiến thắng giặc dốt vẫn là mục tiêu quan trọng của đất nước. Việc xây dựng “Cả nước trở thành một xã hội học tập” đã trở thành khẩu hiệu chiến lược trong tình hình mới. Vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại các cơ sở sản xuất công nghiệp, tỉnh chỉ đạo ngành GD-ĐT đẩy mạnh việc phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ. Các nhà trường đã tổ chức rà soát, thống kê, vận động những người chưa biết chữ đi học các lớp bổ túc văn hoá. Sau nhiều năm triển khai, đến năm 2002, Thái Nguyên được Bộ GD-ĐT công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xoá mù chữ. Tháng 10-2004, Bộ GD-ĐT công nhận Thái Nguyên là tỉnh thứ 21 trong toàn quốc đạt chuẩn quốc gia phổ cập THCS, về trước kế hoạch tỉnh giao 1 năm.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tích cực thực hiện phổ cập giáo dục phổ thông. Thực hiện có hiệu quả chủ trương "Cả nước trở thành một xã hội học tập", 180/180 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đều xây dựng được Trung tâm học tập cộng đồng. Các trung tâm học tập cộng đồng đã thoả mãn nhu cầu “cần gì học nấy”, tạo cơ hội học suốt đời cho mọi người, đó cũng chính là bước phát triển mới của phong trào hội truyền bá chữ quốc ngữ và bình dân học vụ năm xưa. Trung bình mỗi năm các trung tâm học tập cộng đồng của tỉnh thu hút 196.757 lượt học viên/năm. Con số trên là những tín hiệu đáng mừng góp phần đáng kể cho nhiệm vụ giáo dục thường xuyên phát triển mạnh mẽ, chiến thắng giặc dốt.
Giáo dục Thái Nguyên sau hơn 60 năm xây dựng và phát triển đã có bước phát triển vững chắc. Hệ thống trường lớp ngày càng được đầu tư đồng bộ, các loại hình đào tạo được đa dạng hoá, hiện nay toàn tỉnh có trên 600 trường, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục. Chất lượng giáo dục được nâng lên còn thể hiện ở số học sinh đỗ vào các trường ĐH hằng năm tăng. Theo báo cáo thống kê của Bộ GD-ĐT từ năm 2004-2007 thì tỷ lệ học sinh Thái Nguyên đỗ vào các trường ĐH đều tăng. Nếu như năm 2004 toàn tỉnh có 2.876 thí sinh đỗ ĐH chính quy, thì năm 2007 là 5.405. Năm học 2008-2009, ngành GD-ĐT phấn đấu thực hiện toàn diện 6 nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới. Trong đó trọng tâm thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Với bề dày truyền thống và là trung tâm giáo dục thứ ba của cả nước, tin chắc rằng ngành sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự nghiệp nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh và đất nước.