Đào tạo theo nhu cầu xã hội- phải từ ba phía

16:08, 28/09/2008

Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội, cuối năm 2007, Đại học Thái Nguyên phối hợp cùng Công ty Tâm Việt tổ chức buổi giao lưu giữa sinh viên (SV), cán bộ quản lý các trường thành viên với đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi giao lưu này, có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Về phía các doanh nghiệp đều có chung nhận xét hầu hết SV khi ra trường không chỉ yếu về thực hành mà cả lý thuyết. Còn các nhà trường lại cho rằng sự chủ động phối hợp của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo còn rất hạn chế, thậm chí không có. Dưới góc độ người được đào tạo, có SV lại cho rằng một số kiến thức được học không biết áp dụng vào thực tế ra sao. Điều đó cho thấy vẫn còn khoảng cách lớn giữa công tác đào tạo trong nhà trường và nhu cầu thực tế của xã hội.

 

PGS-TS Nguyễn Đăng Bình, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên) cho rằng để đào tạo theo nhu cầu của xã hội phải xuất phát từ 3 phía: Nhà trường-doanh nghiệp và sinh viên, có như vậy mới tạo ra “sản phẩm” đạt yêu cầu. Thời gian qua,  các trường đào tạo theo kiểu những gì mình đang có, còn phía doanh nghiệp chỉ tìm đến nhà trường khi có SV chuẩn bị tốt nghiệp. Hằng năm, có từ 30-40 doanh nghiệp gửi công văn và đến trường gặp và thoả thuận trực tiếp với các SV. Có đơn vị như Công ty dầu Cái Lân đã mượn hội trường của Trường để giới thiệu về Công ty cho các sinh viên năm cuối. Đồng thời, tổ chức 3 ôtô đưa SV về doanh nghiệp tham quan. Mức thu nhập cũng tương đối khá (trên 2 triệu đồng/người/tháng), tuy vậy, cũng chỉ có 3 SV đồng ý về doanh nghiệp này làm việc. Hằng năm, Trường đều có sự khảo sát về nhu cầu tuyển dụng lao động của các ngành nghề, cũng như chất lượng đào tạo để điều chỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội...

 

Để đào tạo được những SV đáp ứng được nhu cầu của xã hội phải có sự vào cuộc của 3 phía: Doanh nghiệp, người tham gia công tác đào tạo và người được đào tạo. Ở nước ta hiện nay chưa có cơ quan nào thống kê được nền kinh tế đang cần những chuyên gia ngành nào, bao nhiêu người. Trên thực tế, việc phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo vẫn một khoảng cách lớn. Với mục tiêu phát triển, những năm qua các nhà trường phải chủ động nghiên cứu thị trường để có hướng đi thích hợp trong công tác đào tạo.

 

Trong 3 năm qua, các trường thành viên của ĐH Thái Nguyên đã mở thêm 26 chuyên ngành đào tạo, nhiều chuyên ngành mới đáp ứng nhu cầu trong thời điểm hiện tại và tương lai như: Bác sỹ y học dự phòng, Công nghệ sinh học nông nghiệp, Tin học kinh tế, Khoa học môi trường… Tuy vậy, để quá trình chuyển hướng sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội phát triển bền vững, công tác dự báo của các trường phải có tầm nhìn xa từ 10-20 năm. Trong đó đặc biệt chú trọng đến nhu cầu nguồn nhân lực ngày càng cao của thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp lấy ý kiến đóng góp cho chương trình đào tạo ngày càng tốt hơn, trong quá trình tái đào tạo lao động cũng cần được thực hiện như vậy.