Ông Phạm Ngọc Phương, Cục phó Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD&ĐT) cho rằng, thiết bị chống cận còn có nhiều vấn đề bất cập và không nên dùng ở lớp học.
- Thưa ông, chắc ông đã biết thiết bị chống cận thị đang bày bán ở thị trường, là Cục phó Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em, theo ông, thiết bị đó có thể dùng cho HS trong trường học?
- Theo tôi thiết bị ấy không nên dùng ở lớp, chỉ nên dùng ở nhà thôi. Và cũng chỉ nên dùng để đọc chứ không nên dùng để viết vì quá cập kênh so với mặt bàn.
Với kết cấu và mục đích của thiết bị này, tôi thấy không có vấn đề gì. Nó có kết cấu như một hộp bút, một cái bảng viết, một ngăn kéo đựng đồ, một giá đỡ sách. Với những công dụng đó, các cháu học sinh có thể dùng cũng được, không dùng cũng được.
- Nhưng hiện nay, cận thị học đường đang gia tăng, những thiết bị này đang được phụ huynh HS rất kỳ vọng có thể phòng cận thị cho trẻ. Ý kiến của ông thế nào?
- Tôi nghĩ thiết bị này cần cải tiến hơn nữa, vì khoảng cách giữa thanh chắn và bảng là hơi hẹp.
Trẻ em bị cận thị là do nhiều yếu tố: bàn viết, ghế ngồi, ánh sáng, chữ trong sách giáo khoa... Ánh sáng sáng quá cũng bị cận; cỡ chữ trong SGK cũng không phù hợp vì quá nhỏ làm cho HS có thói quen nhìn sát xuống vở cũng bị cận.
Khi trẻ đã bị cận rồi, nếu cứ cố giữ khoảng cách đúng như thiết bị này làm sao trẻ nhìn thấy gì được, mắt sẽ bị lồi rất nhanh. Tôi cho rằng thiết bị chống cận chả ích gì với đứa trẻ đã bị cận thị mà chỉ có tác dụng với trẻ đi mẫu giáo, tiền tiểu học.
Ngoài ra, nguyên nhân về bàn ghế không đồng bộ cũng ảnh hưởng rất lớn đến cận thị. Bàn cũ ghế mới hoặc ngược lại, kích thước lệch nhau và bàn - ghế chỉ có một kích thước cho một cấp học và một lứa tuổi là không khoa học. Học sinh trong cùng một lớp mà đóng một kích thước bàn ghế đã là khổ HS rồi. Vì trong lớp có HS bé, HS lớn. Tôi cho rằng nên đóng bàn ghế đến từng nhóm trẻ một.
Rồi kết cấu bàn ghế cũng là vấn đề cần phải bàn. Mặt bàn nghiêng hay phẳng? Tôi quan niệm phải làm bàn nghiêng cho HS tiểu học vẫn là tốt hơn nhưng bây giờ người ta dùng mặt bàn phẳng vì còn phải cho HS học bán trú.
Rồi cách học, cách đọc. Người lớn phải giám sát trẻ con học và tạo cho trẻ con thói quen ngồi học khoa học. Thiết bị này giúp trẻ có thói quen ngồi đúng, nhưng không vì thế mà người lớn bỏ bê, sao nhãng góc học tập của trẻ.
- Thiết bị chống cận thị đã được các nhà khoa học, các giáo viên cân nhắc lợi hại và thấy rằng, bất cập vẫn còn rất lớn. Vậy theo ông nên xử lý thế nào?
- Bộ GD&ĐT chỉ quản lý chất lượng của các thiết bị giáo dục, còn thiết bị chống cận này là đồ dùng học sinh. Nếu nó không nằm trong danh mục cấm thì HS có thể đưa vào lớp học.
Tới đây, chúng tôi có thêm một chức năng mới là sẽ phối hợp với các bộ ngành để quản lý các thiết bị ngoài thị trường. Ví dụ như đồ chơi trẻ em. Tuy nhiên, đây không phải là chức năng độc lập. Nếu một thiết bị cho HS có bán trên thị trường thì Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xem xét và xử lý nếu có vấn đề.
- Xin cảm ơn ông!