Những câu chuyện ngược đời có thật

10:40, 21/09/2008

Cô giáo phải mua kẹo “nhử” học sinh xuống núi. Có cô giáo còn phải đến nhà... chăn trâu thay trò để dụ trò đến lớp!  Với miền xuôi, chuyện này đáng lọt vào danh mục “chuyện lạ”! Nhưng với miền núi, đây lại là chuyện thường ngày! Con đường đến trường của các em học sinh vùng cao còn quá gập ghềnh, và những câu chuyện ngược đời nhưng có thật đã ra đời từ đó.

Mua kẹo “nhử” học trò xuống núi!

 

Với các cô giáo vùng cao, các gói kẹo sặc sỡ sắc màu là thứ không thể thiếu trong cặp sách! Bởi đây là “mồi nhử” hiệu quả nhất để “lôi” học trò theo cô đến trường. Khi một em đến lớp mà được kẹo, các em khác thấy thế sẽ tự động “rủ” nhau đến lớp.

 

Ở vùng cao, sau một kì nghỉ hè dài, chuyện đi học hay đi chăn trâu là điều phải cân nhắc kỹ. 

 

Cô Nguyễn Thị Minh, giáo viên Trường Tiểu học Tân Dương (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) kể: “Chúng tôi đã bảo nhau phải mua rất nhiều kẹo để sẵn đó, đợi em nào đến là chia cho các em trong ngày tập trung. Sau đó, như một phản ứng “lan truyền”, các em khác cũng muốn có kẹo, thế là chúng tự rủ nhau đến!”.

 

Đặc biệt là kẹo càng sặc sỡ màu sắc càng thu hút các em: “Vì là trẻ nhỏ, lại sống quanh năm ở trên núi nên kẹo là thứ xa xỉ. Cách này đã được chúng tôi làm mấy năm nay, cũng có hiệu quả nhất định!”. “Mồi nhử” này khiến các em “quên” mất việc đến lớp là để đi học nhưng theo cô Minh, điều quan trọng là các em đã tự tìm đến trường. Có kẹo hay không thì việc học của các em vẫn như vậy mà thôi. Dùng cách này chỉ tiết kiệm được thời gian, công sức trong quá trình vận động các em không bỏ học.

 

Cưỡi xe máy đi gọi học trò!

 

Nhưng không thể quanh năm dùng kẹo để “nhử” học trò, vì “món ngon ăn mãi cũng nhàm”! Cách muôn thủa vẫn là đến tận nhà các em để vận động đến lớp. Các cô giáo dù nghèo nhưng vẫn phải dành một phần tiền lương mua xăng để cưỡi xe máy đi gọi học trò.

 

Cô giáo Mai Anh, Trường Mầm non Pú Đao, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu là một ví dụ điển hình cho kiểu “hi sinh thầm lặng” này! Hai vợ chồng cô đều là giáo viên, có con nhỏ. Đồng lương tuy eo hẹp nhưng tháng nào cũng trích ra một phần cố định để đổ xăng xe máy đi kêu gọi các em đến trường!

 

Cô Mai Anh cho biết: “Việc này phải làm liên tục, thường xuyên, vì lúc nào các em cũng có thể bỏ học. Mà ở đây, mỗi nhà cách nhau ít cũng vài km, đường rất khó đi! Hàng tháng, ngoài tiền mua kẹo “dỗ” các em đến lớp như các thầy cô khác, tiền xăng đi lại hết cũng không ít”.

 

Đó là chưa kể đến những nơi không đi được bằng xe máy. Cô Mai Anh cũng như tất cả những giáo viên khác phải xoay xở đủ cách, đa phần là trèo đèo, lội suối. Cô Phan Thị Xuân, giáo viên Trường Tiểu học Tân Dương nói: “Chuyện vượt đồi, trèo qua cả quả núi gọi các em đi học là chuyện bình thường của chúng tôi. Các em muốn đến trường cũng phải đi ngần ấy đoạn đường. Chúng tôi là giáo viên, muốn có học sinh để dạy thì bắt buộc phải chịu khó như thế”.

 

Bỏ tiền túi nấu cơm nuôi trò

 

Nhà các em học sinh cách trường đến 6km, phương tiện đi học là… đôi chân! Mỗi sáng, các em phải vượt qua 3km từ nhà lên đỉnh đồi, rồi lại thêm 3km từ đỉnh đồi xuống trường. Nếu tính cả lượt về, một ngày các em cuốc bộ đường đồi núi tổng cộng… 12 km!

 

Vì thế, nếu các em học xong buổi sáng mà về nhà ăn cơm trưa thì coi như buổi học chiều sĩ số bằng… 0! Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên Trường Tiểu học Long Phúc (Bảo Yên - Lào Cai) cho biết: “Đi lại như thế, sức người lớn như các thầy các cô cũng không chịu được nữa là các em! Đó là chưa kể đến chuyện còn phải giữ sức để tiếp thu kiến thức”.

 

Cô Đào Thị Thanh, giáo viên Trường Tiểu học Tân Dương kể: “Nếu có mang cơm nắm từ nhà đi thì cũng chẳng được là bao, các em ăn không đủ. Có em, vì buổi trưa không có cơm ăn, cuốc bộ từ trường về nhà thì quá xa. Trên đường đi về, em đói quá, đã dại dột vặt khế xanh trên cây mọc ven đường rồi ăn. Hậu quả là khi đến lớp học buổi chiều, em lăn ra ngất xỉu khiến các thầy cô ở đây được một phen hú vía!”

 

 Tùy theo khả năng của bản thân, mỗi thầy cô giáo bỏ ra khoảng vài chục ngàn để mua gạo, rau, chút thức ăn nấu bữa trưa cho các em. “Dù không đáng là bao nhưng cũng đủ để các em đỡ vất vả!”, cô Thanh tâm sự. Hiện nay, ở huyện Bảo Yên đã triển khai mô hình “bán trú dân nuôi”: Mỗi học sinh được cho ở nhờ một nhà dân gần trường để con đường đến trường của các em bớt gập ghềnh!

 

Cô giáo… chăn trâu hộ trò!

 

Khi đến nhà học sinh vận động đi học, cô Thanh đã nhận được những cái lắc đầu, xua tay của cha mẹ các em: “Đi học cũng không làm được cái gì. Cho chúng nó ở nhà đi thả trâu thôi. Người làm đang không có”.

 

Cô Thanh buồn bã nhận xét: “Cốt lõi ở chỗ nhà các em quá nghèo, lại không có người làm. Vì thế, tôi đã quyết định tranh thủ những lúc rảnh rỗi đi… thả trâu hộ để tạo lòng tin, thuyết phục gia đình học sinh cho các em đi học”. 

 

Cách làm này của cô Thanh dù vất vả, mất thời gian nhưng có hiệu quả tức thì, khiến các bậc phụ huynh dù “bảo thủ” nhưng cũng cảm kích tấm lòng của cô giáo mà cho con đến lớp. Ở tuổi ngoại tứ tuần, khi làm việc này, cô Thanh bị con cái “ngăn cản” vì sợ mẹ mệt. Nhưng cô Thanh luôn tâm niệm: “Mình còn sức khoẻ, còn đi dạy được thì phải làm tròn trách nhiệm của người thày. Nếu không làm thế, đến bao giờ lũ trẻ ở đây mới biết đọc, biết viết?”.

 

Ông Lương Quang Đua, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Bảo Yên cho biết: “Những cá nhân, việc làm điển hình như thế này, trên phòng cũng biết hết và ghi nhận tâm sức của các thầy cô. Khi điều kiện kinh tế của cả huyện vẫn còn đang rất khó khăn, nhận thức người dân còn hạn chế thì những chuyện như thế này vẫn sẽ còn tồn tại lâu dài ”.