Sẽ có cuộc cách mạng về công nghệ thông tin trong trường học

07:37, 29/09/2008

 Bộ GD-ĐT đã đặt mục tiêu đến tháng 12-2008 sẽ kết nối mạng Internet và triển khai mạng giáo dục (www.edu.net.vn) đến tất cả các sở GD-ĐT và cơ bản phủ Internet đến các trường học cả nước. Đây chính là nội dung chính để Bộ GD-ĐT xác định 2008 - 2009 là "năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)", tạo tiền đề cho ngành giáo dục (GD) triển khai mạnh hơn những tiện ích của CNTT trong những năm kế tiếp.

Xóa "vùng trắng" về Internet

 

Theo thống kê của Cục CNTT (Bộ GD-ĐT), đến thời điểm này cả nước vẫn còn 16.786 trường học tính từ hệ tiểu học đến THPT không thể kết nối Internet, trong đó nhiều nhất là hệ tiểu học với gần 11.000 trường. Địa bàn khó khăn nhất chính là các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.

 

Internet du nhập vào Việt Nam từ năm 1997 và từ đó đến nay ước mơ về một "thế giới phẳng" được phủ kín tới tất cả các trường học là tâm nguyện của tất cả những người làm GD. Ý tưởng xây dựng mạng GD EduNet được hình thành từ cách đây 10 năm và trên thực tế nó đã phát triển dù còn không ít trở ngại. Bước vào năm học 2008 - 2009, một cơ hội vàng và tạo bước ngoặt cho ngành giáo dục là Tổng công ty viễn thông Quân đội (Viettel)  đã kí văn bản hợp tác với Cục CNTT để triển khai mạng GD đến tất cả các địa bàn của cả nước.

 

 

Theo đó, các đơn vị trong ngành GD sẽ được hưởng các dịch vụ về Internet với giá ưu đãi đặc biệt, chỉ bằng 1/4 giá thành. Như vậy, gần 17.000 trường học ở "vùng lõm" cũng có cơ hội kết nối Internet để phục vụ quản lý, học tập và giảng dạy, thậm chí những vùng đặc biệt khó khăn sẽ được dùng miễn phí... Viettel và Cục CNTT đã vạch ra 4 giai đoạn triển khai mạng GD được chính thức công bố với mục tiêu là đưa Internet "phủ sóng" toàn ngành GD vào tháng 12-2008. Các trường vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn sử dụng công nghệ sóng di động GPRS/EDGE.

 

TS Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT: Cùng với phổ cập mạng EduNet, Cục sẽ triển khai hệ thống thư điện tử (e-mail) miễn phí trong toàn ngành GD. Hệ thống thông tin trên website của Bộ GD-ĐT cũng được nâng cấp, đặc biệt là hệ thống họp, đào tạo qua mạng dưới các hình thức qua web, qua video và qua mạng. Ngành GD cũng tiếp tục khuyến khích xây dựng các bài giảng điện tử (e-learning) với khẩu hiệu là mỗi giáo viên góp 1 bài giảng/năm, tương đương với 1 triệu bài giảng/năm được công bố trên Intertnet.

 

Giáo viên và nỗi lo "tụt hậu"

 

 Những tiện ích CNTT mang lại là không thể phủ nhận nhưng tại hội thảo "Ứng dụng CNTT trong GD" được tổ chức mới đây, nỗi băn khoăn của nhiều địa phương chính là làm thế nào để thay đổi quan niệm, ý thức của nhiều người, nhất là giáo viên và cán bộ lãnh đạo về CNTT.

 

Ông Trần Mậu Minh, Hiệu trưởng trường THCS Trần Văn Ơn (TP Hồ Chí Minh) nêu lên một thực trạng đáng báo động từ đội ngũ giáo viên: "Tôi biết nhiều học sinh bây giờ rất giỏi tin học. Nhiều em thiết kế được các trang web và bài giảng PowerPoint rất tốt dù giáo viên chưa dạy. Nguy cơ tụt hậu về CNTT của nhiều giáo viên rất đáng lo, Bộ GD-ĐT phải tính kĩ việc bồi dưỡng kiến thức tin học cho giáo viên trong chiến lược này".

 

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phụng, Hiệu trưởng trường THPT Đức Linh (Bình Thuận) cho rằng: "Trong tất cả hệ thống mạng thông tin máy tính thì yếu tố con người vẫn là quyết định. Vấn đề quan trọng là đổi mới tư duy rồi mới đến cách làm. Một số người hiện nay chỉ mua máy tính về làm cảnh, mua máy tính thì nhanh song không chịu đầu tư phần mềm để chúng hoạt động hiệu quả. Nhiều giáo viên đến giờ chưa biết dùng Internet, chưa có địa chỉ e-mail riêng. Liên lạc giữa bộ và các trường, các sở chủ yếu vẫn là điện thoại"...

 

Ông Phụng lấy dẫn chứng ở trường mình rằng có đến 23/53 giáo viên đứng lớp chưa hề biết về tin học hoặc tự học nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; số người có được học nhưng chưa sử dụng nên đã quên là 20/53 người... Điều này dẫn đến việc học sinh được giao làm bài khảo sát hàm số mà trong đó các thầy, cô ra đề không gõ nổi dấu góc mà phải dùng bút viết thêm trước khi đem phô-tô, hay ra đề tìm và sửa lỗi trong môn tiếng Anh mà mỗi câu sửa xong vẫn còn vài lỗi nữa. "Với những em sử dụng tương đối thành thạo tin học văn phòng thì việc này bị "lộ tẩy" ngay, rằng trình độ tin học của thầy, cô quá thấp" - ông Phụng nhấn mạnh.

 

Năm học 2008 - 2009, toàn ngành GD có khoảng 1 triệu giáo viên, trong đó giảng viên hệ ĐH, CĐ là gần 6 vạn, giáo viên phổ thông là khoảng 80 vạn, giáo viên trung cấp nghề là khoảng 2,5 vạn và rất đông trong số này cần phải được "xóa mù" về tin học. Duy chỉ có giáo viên hệ ĐH, CĐ thì nguy cơ tụt hậu về tin học so với sinh viên không đến nỗi đáng lo ngại. Tuy nhiên đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT hoàn toàn chưa có một quy định thống nhất về trình độ tin học cho đội ngũ giáo viên các cấp học. Chương trình dạy nghề tin học chưa tập trung vào việc dạy kĩ năng sử dụng CNTT như là phương tiện hỗ trợ cho việc dạy và học các môn khác.

 

Ở một khía cạnh khác, nhiều giáo viên lại "tụt hậu" ở chiều ngược lại. TS Ngô Tử Thành (Học viện công nghệ Bưu chính - Viễn thông) cho biết: Nhiều người hiểu áp dụng CNTT vào dạy học là lắp cho mỗi phòng học một hệ thống máy chiếu, máy tính, màn hình... để chiếu slide thay thế viết bảng còn cách dạy như nào thì không cần biết...

 

Chuyện không chỉ của ngành giáo dục

 

Đầu tư cho CNTT là một hệ thống đồng bộ, từ phần cứng, phần mềm, kĩ năng và phương pháp quản lý, quản trị. Thiếu một khâu nào trong quy trình này, hiệu quả do tin học mang lại sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng hiện nay, vấn đề này có sự chênh lệch khoảng cách vùng, miền khá lớn và cả những yếu tố về cơ chế, nằm ngoài cả khả năng kiểm soát của ngành GD.

 

Bà Nguyễn Thị Lợi, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình nói: "Toàn tỉnh có trên 200.000 học sinh, sinh viên và gần 20.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đến giờ, hệ thống đường điện thoại cũng chỉ kéo đến được 90% số xã trong tỉnh nhưng nhiều nơi điện thoại chỉ đáp ứng được hoạt động của UBND xã và bưu điện văn hóa xã. Tín hiệu Internet tại Hòa Bình rất kém, chỉ có 40% số xã, phường là có thể kết nối Internet theo phương pháp quay số. Kết nối Internet theo kênh tốc độ cao ADSL mới chỉ đến được TP Hòa Bình và trung tâm các huyện". Đáng lưu ý là trên toàn quốc, "hoàn cảnh" như Hòa Bình không phải ít, thậm chí đến thời điểm này vẫn còn 555 trường học các cấp, 1 phòng GD không có điện lưới. Không có điện đương nhiên là ánh sáng tin học là nhiệm vụ "bất khả thi".

 

Ở góc độ khác, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội lại kiến nghị Bộ GD-ĐT nên có biên chế giáo viên tin học trong các trường THCS; tác động đến các UBND tỉnh, thành phố để tăng cường đầu tư nguồn nhân lực (tăng biên chế cán bộ chuyên trách CNTT tại các sở, phòng GD, trường học) và nguồn kinh phí ứng dụng CNTT; mua các phần mềm dùng chung trong các sở GD-ĐT. Mặt khác, đẩy mạnh ứng dụng CNTT phải tính đến toàn hệ thống ngành GD, có lộ trình rõ ràng ở cấp Trung ương, tỉnh, các trường, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, không thể kết nối liên thông với nhau được...

 

Theo Cục trưởng Cục CNTT Quách Tuấn Ngọc, chúng ta triển khai "năm học đẩy mạnh ứng dụng CNTT" trong bối cảnh thuận lợi. Nhưng rõ ràng, để khẩu hiệu thực sự đi vào cuộc sống, trở thành thói quen, nếp nghĩ thì ngoài ý chí, quyết tâm của các cấp lãnh đạo vẫn cần nhiều hơn nữa ý thức chủ động vào cuộc của mỗi cá nhân, trong từng cơ sở GD. CNTT chỉ là phương tiện dạy và học. Nó chỉ nhằm hỗ trợ cho người thầy chứ không phải là tất cả!