Vì sao nhiều giáo viên không nhận nhiệm sở?

07:28, 24/09/2008

  Chấp nhận dạy hợp đồng còn hơn vào biên chế ở những trường vùng sâu vùng xa. Cũng làm thầy, nhưng "chạy sô" ở các trung tâm ngoại ngữ thì cuộc sống dễ thở hơn... Đó là những suy nghĩ của không ít giáo viên hiện nay khiến ngành giáo dục phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng.

Kỳ thi tuyển giáo viên đợt 2 tại TP.HCM chỉ có gần 400 hồ sơ đăng ký và chỉ có 368 ứng viên trở thành giáo viên. Trong khi đó, theo nhu cầu, TP.HCM cần hơn 1.300 giáo viên ở các cấp cho năm học này.

 

Giáo viên thà chạy "sô" còn hơn vào biên chế

 

Anh N.T.Thắng một thầy giáo "chạy sô" ở các trung tâm ngoại ngữ tính toán: "Khi mới ra trường, cách đây 3 năm, mỗi giờ dạy của tôi có giá 60.000 đồng. Hiện, mỗi giờ dạy tối thiểu tôi cũng kiếm được 80.000 đồng. Với mức thu nhập hiện nay, tôi hoàn toàn yên tâm là sẽ lo được cho gia đình sau này. Nếu tôi chọn nghề giáo chính thống, dạy ở một trường phổ thông nào đó tại thành phố thì tôi nghĩ lương vẫn không đủ lo cho gia đình".

 

Tính toán như thế, nhưng anh Thắng cũng ngậm ngùi: "Ai cũng muốn trở thành một giáo viên đúng ngành, nhưng không phải ai cũng có đủ điều kiện để theo nghề. Tất cả là vì cuộc sống mà!"

 

Anh Thắng còn cho biết, bạn anh đang "chạy sô" ở các trung tâm ngoại ngữ lớn hơn, có tiếng hơn thì thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng. Anh chắc chắn một điều: "Dạy ở các trung tâm ngoại ngữ thì không phải tuân thủ nhiều nguyên tắc, không phải đáp ứng nhiều đòi hỏi như ở các trường phổ thông. Suốt ngày cứ phải chạy theo chương trình thì quả thật là áp lực".

 

Không có nhiều cơ hội "chạy sô" như anh Thắng, nhưng chị T.Thanh Loan lại không thích thi tuyển vào giáo viên bởi "chỉ cần 1 hoặc 2 lớp dạy thêm ở nhà thì cũng có thể có thu nhập bằng lương của một giáo viên”. Chị Loan không chọn vào biên chế ngành còn do "thủ tục rườm rà và những năm trước rất khó vào".

 

Tốt nghiệp ngành sư phạm tâm lý, nhưng anh N.T.Thuận lại theo nghề quản lý nhân sự ở một công ty nước ngoài. Anh cho hay: "Không phải không thích ngành sư phạm mà do hoàn cảnh bắt buộc. Nếu không chọn một hướng đi khác, tôi không thể nào kiếm đủ tiền để lo cho 4 đứa em đi học. Hiện tại, một người em tôi tốt nghiệp đại học sư phạm, nhưng lương cũng chỉ đủ để sống qua ngày, không bao giờ dư một xu. Đến bây giờ, tôi vẫn thấy mình lựa chọn đúng".

 

Anh Thuận nói thêm rằng: "Tôi nghĩ cũng vì mưu sinh mà nhiều người phải bỏ nghề. Nhiều người bạn của tôi cũng có quyết định như tôi. Thêm nữa, những năm trước đây, muốn thi tuyển vào giáo viên không phải dễ, không ít người rớt 3-4 năm liền nên bỏ luôn".

 

Ngán ngại vùng sâu vùng xa

 

Khó ai có thể tin được một thực tế đang diễn ra: Hàng ngàn người đã chen lấn nhau để nộp hồ sơ xét tuyển giáo viên tại TP.HCM, nhưng nhiều người may mắn trúng tuyển lại không nhận nhiệm sở!

 

Đến với P.Lan (Q11), chị giải thích: "Nhà ở quận 11, nhưng nhiệm sở được phân công lại ở quận 9. Thử hỏi ngày nào mình cũng phải chạy xe hơn 40 cây số cả đi và về thì làm sao chịu nổi. Nếu được dạy gần nhà thì mình đi dạy, xa quá thì bỏ. Lương không được bao nhiêu mà vất vả và nguy hiểm".

 

Cũng là một ứng viên ở quận 11, chị T.Sương nói: "Nếu được dạy ở quận 11, quận 5 hoặc quận 6, 8 thì có thể chấp nhận. Chứ ra tận Nhà Bè, Cần Giờ thì không ai đi được. Còn nếu ở hẳn ngoài đó thì gia đình trong này không ai lo. Năm nay khá nhiều giáo viên trúng tuyển phải đi vùng sâu vùng xa nên ai cũng ngại".

 

Có đầy đủ hồ sơ đạt yêu cầu để nộp đơn xét tuyển lần 2, nhưng chị Mai Anh (Gò Vấp) quyết định chờ năm sau với lý do: "Em nghe nhiều người nói nếu trúng tuyển năm nay thì chắc chắn phải đi vùng sâu vùng xa. Nên em không dám nộp hồ sơ. Nộp hồ sơ, nếu trúng tuyển mà không nhận nhiệm sở thì năm sau khó mà trúng tuyển lần nữa, gặp hồ sơ mình người ta sẽ loại ra ngay. Em chờ năm sau mới nộp hồ sơ xét tuyển. Nhưng nếu năm sau mà nhận nhiệm sở xa quá thì em cũng phải đắn đo".

 

Hiện nay, Mai Anh đang là giáo viên thỉnh giảng ở một trường tiểu học trong quận. Cô cho biết: "Với mức lương là 1.440.000 đồng như hiện nay em thấy ổn hơn là mình ra dạy ở vùng sâu vùng xa. Nếu phải ra Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ... thì phải tốn thêm nhiều chi phí. Đi về hằng ngày thì không thể, ở lại thì phải tốn tiền thuê nhà, ăn ở... ".

 

Trong đợt xét tuyển lần 2, Sở GD-ĐT TP.HCM được phép tuyển tiếp những ứng viên không trúng tuyển để bổ sung cho GV được phân công nhưng không nhận nhiệm sở. Sở GD-ĐT cũng đã có phương án chuyển GV xin tuyển THCS và tăng cường tiếng Anh bậc tiểu học sang dạy bậc tiểu học ở những huyện thiếu nhiều GV tiểu học (nếu GV tự nguyện chuyển). Những ứng viên đã nộp hồ sơ tuyển dụng bậc THCS, THPT (đợt 1) nếu có nguyện vọng dạy học tại các trường tiểu học xin đăng ký lại để được xét tuyển.

 

Ngoài ra, Sở GD-ĐT còn mở rộng vùng tuyển bằng cách tuyển GV có hộ khẩu tỉnh với điều kiện GV phải cam kết dạy ở khu vực ngoại thành. Nhưng, như đã nói, chỉ hơn 400 hồ sơ được đăng ký.

 

Phải chăng, nhiều giáo viên sẽ chọn giải pháp như Mai Anh là: "Chờ năm sau để không phải đi ngoại thành"?