Những năm qua, huyện Đại Từ đã làm tốt công tác xây dựng xã hội học tập cộng đồng, góp phần nâng cao trình độ cho đồng bào các dân tộc thiểu số; đội ngũ cán bộ, công chức công tác ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, tạo tiền đề vững chắc trong sự nghiệp xây dựng xã hội học tập.
Trong những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đại Từ đã có những chuyển biến rõ rệt, đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, trong huyện vẫn còn những xã vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn như xã Quân Chu, Minh Tiến, Đức Lương… dẫn đến sự chênh lệch về kinh tế - xã hội; sự chênh lệch đó đã ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức về mục tiêu, ý nghĩa của sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Do vậy, việc xây dựng “xã hội học tập cộng đồng” và mô hình trung tâm học tập cộng đồng theo Quyết định 112/2005/QĐ-TTg ngày 18-5-2005 của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết.
Những năm qua, huyện Đại Từ đã làm khá tốt công tác này, góp phần nâng cao trình độ cho đồng bào các dân tộc thiểu số; đội ngũ cán bộ, công chức công tác ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, tạo tiền đề vững chắc trong sự nghiệp xây dựng xã hội học tập.
Kết quả trong 3 năm (2005-2008), Đại Từ đã xoá mù chữ cho nhóm tuổi từ 15-25 là 22.115 người, đạt 99,8% tổng số người ở nhóm tuổi này mù chữ, trong đó người dân tộc thiểu số là 5.166 người; nhóm tuổi từ 26-35 là 19.872 người, đạt 99,0%, trong đó người dân tộc thiểu số là 4.478 người; nhóm tuổi trên 35 là 29.678 người, đạt 91,0%, trong đó có 5.640 người dân tộc thiểu số.
Hàng năm, Phòng Giáo dục-Đào tạo thường xuyên cử cán bộ quản lý tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, đến nay 100% cán bộ quản lý đều đã qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ; bên cạnh đó các cán bộ, giáo viên cũng được tạo điều kiện đi học bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, tạo nguồn cho công tác tổ chức cán bộ. Công tác đào tạo bồi dưỡng và áp dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn được quan tâm đúng mức. 100% các trường trên địa bàn đã có máy vi tính phục vụ công tác văn phòng; 12 trường THCS, 3 trường tiểu học và một trường mầm non đã có phòng máy vi tính phục vụ việc dạy tin học cho học viên và học sinh. 30% số đơn vị đã kết nối mạng internet. Huyện đã tăng cường phát triển công tác khuyến học, khuyến tài, đẩy mạnh phong trào “Dòng họ khuyến học”. Đến nay, 100% các xã, thị trấn thành lập được trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ); xây dựng được hội khuyến học, khuyến tài, tiêu biểu như xã Phú Lạc có 3 dòng; xã Phú Cường có 3 dòng họ; xã Bình Thuận có 5 dòng họ; xã Tiên Hội có 5 dòng họ…Toàn huyện có khoảng 450 gia đình hiếu học, tiêu biểu như xã Hùng Sơn có 37 gia đình; thị trấn Đại Từ có 15 gia đình; xã Bản Ngoại có 64 gia đình; Tiên Hội 30 gia đình… Các trung tâm HTCĐ đã phối hợp tốt cùng với các ban, ngành, đoàn thể mở các lớp tập huấn và các lớp bồi dưỡng chuyển giao KHKT chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản; đã có những chuyên đề về giáo dục pháp luật, phong tục tập quán, chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường… thu hút đông đảo nhân dân tham gia học tập.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng “xã hội học tập cộng đồng”, chất lượng các trung tâm HTCĐ, huyện Đại Từ tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn củng cố, kiện toàn các trung tâm HTCĐ; chỉ đạo các trung tâm dựa trên tình hình thực tế của mỗi địa phương, xây dựng kế hoạch hoạt động sát thực với tình hình địa phương, khảo sát nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân để các chương trình đem lại hiệu quả thiết thực; duy trì tốt các hoạt động, huy động mọi nguồn vốn tập trung vào một số nội dung giáo dục lớn như: Giáo dục vì sự nghiệp phát triển cộng đồng bền vững, bảo vệ môi trường cho phụ nữ và trẻ em gái; giáo dục sức khoẻ sinh sản; tuyên truyền phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS…