Quản lý học sinh -sinh viên ngoại trú: Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn

14:33, 08/10/2008

Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) hiện có 5 trường ĐH, 1 trường CĐ và 3 khoa trực thuộc với trên 6 vạn học sinh, sinh viên (HSSV), trong đó, số HSSV chính quy tập trung khoảng 3,2 vạn. Trong khi đó, số HSSV ở nội trú tại các ký túc xá và ở nhà riêng hoặc người thân khoảng 1 vạn, số còn lại đều thuê trọ bên ngoài trường học. Số HSSV thuê trọ chủ yếu tại các phường, xã thuộc T.P Thái Nguyên như: Đồng Quang, Hoàng Văn Thụ, Phú Xá, Quang Trung, Quyết Thắng, Tân Thịnh, Thịnh Đán.

Theo đồng chí Nguyễn Tất Thắng, Trưởng ban Công tác chính trị HSSV ĐHTN: "Những năm trước khi tỉnh chỉ có quy chế tạm thời về quản lý HSSV ngoại trú, công tác quản lý HSSV ngoại trú gặp rất nhiều khó khăn. Việc phối hợp giữa một số nhà trường với ngành Công an, chính quyền địa phương còn chưa thật chặt chẽ dẫn tới tình trạng HSSV thay đổi chỗ ở liên tục các trường không nắm được. Một số gia đình mua đất xây nhà trọ, nhưng lại không sống cùng khu vực, chỉ quan tâm đến việc thu tiền trọ của HSSV…phó mặc cho HSSV tự do trong cuộc sống, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý và giáo dục HSSV. Ngày 28-8-2007, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý HSSV ngoại trú kèm theo Quyết định số 1718/2007/QĐ-UB. Bám sát vào Quy chế này, ĐHTN đã nhanh chóng đổi mới công tác quản lý HSSV ngoại trú".

 

ĐH Thái Nguyên đã chỉ đạo củng cố hệ thống quản lý HSSV từ tới các trường thành viên. Cấp ĐHTN có Ban công tác HSSV, các trường là Phòng công tác HSSV. Từ năm học 2008-2009, ĐHTN ban hành sổ theo dõi kết quả học tập, rèn luyện của HSSV. Tất cả HSSV nội, ngoại trú đều thống nhất quản lý theo sổ này. Sổ theo dõi ghi rõ những quy định bắt buộc đối với HSSV, cụ thể như: Đánh giá phẩm chất quan hệ cộng đồng, khung đánh giá từ 1-15 điểm (tổng điểm 100). Cuối mỗi học kỳ, HSSV nội trú phải lấy nhận xét của Ban quản lý khu nội trú; HSSV ngoại trú phải lấy nhận xét của tổ trưởng tổ dân phố (trưởng thôn, xóm) nơi mình trọ, có xác nhận của chính quyền địa phương nộp cho Ban cán sự lớp để xét điểm rèn luyện của học kỳ và năm học.

 

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các nhà trường đều tổ chức hội nghị với sự tham gia của chính quyền, công an, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện chủ nhà trọ các phường, xã trên địa bàn để đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý HSSV ngoại trú. Thiết lập đường dây nóng 24/24 giờ để xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến HSSV trên địa bàn dân cư. Cung cấp danh sách giáo viên chủ nhiệm, danh sách khối sinh viên để công an khu vực nắm được và phối hợp cùng kiểm tra giải quyết những trường hợp khẩn cấp.

 

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn còn một số tổ dân phố, chủ nhà trọ chưa nắm được Quy chế về quản lý HSSV ngoại trú của UBND tỉnh. Sự phối hợp giữa các nhà trường và chính quyền địa phương tuy đã được thiết lập, song công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành của HSSV, của chủ nhà trọ ở một số địa bàn chưa kịp thời, thường xuyên, dẫn tới tình trạng HSSV thay đổi chỗ ở không báo cáo với nhà trường vẫn còn tồn tại. Cá biệt, còn tới 40% HSSV ngoại trú chưa thực hiện đầy đủ các quy định về tạm trú, tạm vắng. Còn nhiều nhà trọ không đủ điều kiện về sinh hoạt, vệ sinh, phòng cháy chữa cháy, cũng như những quy định của khu trọ.

 

Trong khi các nhà trường đang gặp khó khăn về tài chính, chưa thể đầu tư xây dựng các khu ký túc xá để đáp ứng đủ nhu cầu nội trú của HSSV thì việc phát triển hệ thống nhà trọ cho sinh viên thuê đã đáp ứng tốt nhu cầu của HSSV. Tuy vậy, để công tác quản lý HSSV ngoại trú đi vào nền nếp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, các phường, xã trên địa bàn có HSSV thuê trọ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà trường trong việc quản lý HSSV, tăng cường phổ biến tới tất cả các chủ nhà trọ, các tổ trưởng dân phố về Quy chế quản lý HSSV ngoại trú của UBND tỉnh.

 

Đối với các trường cần duy trì tốt sổ theo dõi 2 đầu để quản lý chỗ ở của HSSV ngoại trú. Nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, trợ lý công tác HSSV các khoa. Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất để phát hiện, xử lý nghiêm túc các trường hợp HSSV không chấp hành tốt các quy định đã đề ra.

 

Đối với ngành Công an cần hướng dẫn và cùng các trường làm tốt công tác đăng ký tạm trú, tạm vắng cho HSSV ngay từ khi HSSV nhập học. Thông tin kịp thời những vụ việc liên quan đến HSSV để nhà trường xử lý kịp thời. Kiên quyết yêu cầu các chủ nhà trọ và HSSV làm đầy đủ các thủ tục ngoại trú theo quy định. Nếu vi phạm hoặc chưa đảm bảo yêu cầu không cho HSSV ở  hoặc không được phép kinh doanh...