- Sẽ cho phép chương trình đào tạo chất lượng cao được thu phí cao. Các trường tự ý dỡ rào để tuyển sinh, mở các ngành học khi chưa được phép sẽ bị thanh tra và xử lý theo mức độ vi phạm... Thông tin được đưa ra trong buổi họp báo của Bộ GD-ĐT chiều 13/10.
Từ tháng 2/2009, ông Long nhấn mạnh, các cơ sở đào tạo phải thực hiện cơ chế 3 công khai không phân biệt công lập và tư thục để cho người học và xã hội cùng giám sát. Cụ thể, công khai chất lượng đào tạo, công khai nguồn nhân lực đào tạo và công khai chi tiêu tài chính.
Cơ chế tài chính mới đảm bảo tính ổn định của ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH. Tới đây, Bộ sẽ thực hiện giao trần ngân sách 3 năm, tạo điều kiện để các trường chủ động nguồn lực đầu tư thực hiện nhiệm vụ đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Cùng với đó, phê duyệt phương án học phí của các chương trình đào tạo chất lượng cao. Về học phí mới cho các trường ĐH, CĐ công lập nếu được Chính phủ thông qua sẽ áp dụng vào quý IV năm nay.
Bên cạnh đó, cuộc họp báo cũng đề cập đến việc một số trường CĐ tự ý dỡ rào để chiêu sinh những ngành chưa được Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành, SV tốt nghiệp không được cấp bằng hay một số trường ĐH, CĐ điều chỉnh giãn cách điểm ưu tiên không đúng. Ông Long khẳng định, lỗi việc này là do chính nhà trường. Bộ sẽ xem xét trách nhiệm để xử lý nghiêm theo thẩm quyền.
Trực tiếp thanh tra công tác tuyển sinh của 8 trường ĐH, CĐ khu vực phía Nam (gồm ĐH Mở, ĐH Kinh tế, ĐH Văn hóa, ĐH Công nghiệp, ĐH Ngoại ngữ và Tin học, ĐH Đồng Tháp và ĐH Cần Thơ), Phó Chánh thanh tra Giáo dục Trần Bá Giao cho biết có 3 trường thực hiện giãn điểm ưu tiên không đúng quy định. Bộ đang yêu cầu trường báo cáo, đề xuất phương án xử lý.
Ông Giao cũng cho biết thêm, từ 13/10 đến 12/11, Bộ GD-ĐT sẽ thanh, kiểm tra 30 trường ĐH, CĐ về xét tuyển, trong đó tập trung chủ yếu vào xét tuyển nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.
Ngoài ra, trả lời về thắc mắc trước các khoản tự nguyện không đóng không được của một số trường trong thời gian qua, ông Giao cho biết, Bộ không khuyến khích các khoản thu tự nguyện đầu năm học. Dựa theo tình hình, đặc điểm của từng địa phương mà hội đồng nhân dân các cấp quy định các khoản đóng góp, cũng như mức đóng góp tự nguyện phù hợp. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường vẫn lách luật, núp dưới danh nghĩa “đóng góp tự nguyện” để thu thêm tiền của học sinh.