Thiếu giáo viên, mỗi năm một tăng?

09:06, 24/10/2008

Đến nay không chỉ ở miền núi, mà ngay cả nhiều thành phố lớn cũng đang phải chống đỡ với tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng.

Đào tạo không đuổi kịp phát triển “nóng” của giáo dục

 

Thiếu giáo viên là một thực tế tồn tại từ khá lâu và số giáo viên (GV) thiếu mỗi năm một nhiều hơn, nhưng đến nay ngành giáo dục dường như vẫn chưa tìm được lời giải cho bài toán khó này.

 

Ông Trương Kim Minh, giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai cho biết: Trong vài năm gần đây, giáo dục miền núi đang có những bước phát triển nhanh chóng về quy mô, đặc biệt là ở bậc học mầm non. Bên cạnh đó, ở các bậc học khác cũng xuất hiện thêm nhiều môn chuyên biệt như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Ngoại ngữ... Thế nhưng hàng năm, số lượng biên chế tuyển GV ở nhiều nơi vẫn “dẫm chân tại chỗ” khiến cho đội ngũ GV ngày càng thiếu trầm trọng. Có một thực tế, hàng năm Hội đồng Nhân dân quyết định biên chế sự nghiệp của ngành giáo dục chỉ dựa vào khả năng ngân sách của địa phương, chứ không căn cứ vào nhu cầu phát triển giáo dục địa phương. Năm học này, Sở GD-ĐT Lào Cai đã tuyển hơn 800 GV ở tất cả các cấp, trong đó bậc mầm non tuyển nhiều nhất với hơn 300 GV. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục khá mạnh của vùng miền núi này thì mỗi năm cần tuyển mới khoảng 1.000 - 1.200 GV. Ông Minh cho rằng, tình trạng thiếu nhiều GV đang dẫn đến mâu thuẫn lớn của giáo dục miền núi, giữa việc phát triển quy mô trường lớp và chất lượng dạy học.

 

Ông Lê Phước Long, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị cũng nêu một bất cập: Quảng Trị là vùng khó khăn, nên tình trạng thiếu GV diễn ra triền miên, năm này qua năm khác. Ông Long nêu ví dụ, số GV tuyển cho năm học này là 370 GV, chỉ đáp ứng khoảng 40% so với nhu cầu thực tế. Như vậy, ngành giáo dục địa phương hiện đang thiếu khoảng 50% GV. Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở tất cả các bậc học, đặc biệt là với những trường mới thành lập.

 

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hầu như tỉnh nào cũng rơi vào tình trạng thiếu GV cho năm học mới. Cá biệt có tỉnh thiếu đến gần 1.000 GV. Theo lãnh đạo ngành giáo dục của nhiều địa phương, nguyên nhân chính dẫn đến thiếu GV là do việc tính toán kế hoạch đào tạo lực lượng GV và nhu cầu chưa sát với thực tế phát triển giáo dục của các địa phương. Ngoài ra, do chính sách đào tạo và sử dụng nhân lực hiện nay của ngành giáo dục còn nhiều bất cập đã khiến cho vùng miền núi không thể thu hút được nhân lực trình độ cao.

 

Lời giải nào cho bài toán khó?

 

Theo các chuyên gia về giáo dục thì mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng của ngành giáo dục hiện nay còn rất lỏng lẻo và “cung” không đuổi kịp “cầu”. Đặc biệt, công tác dự báo nguồn nhân lực hầu như chưa có và kế hoạch đào tạo đón đầu lại càng không. Ông Ngô Đắc Chứng, Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Huế, trường cung cấp nhân lực chủ yếu cho miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên, đưa ra con số: Hàng năm có khoảng 900 - 1.000 sinh viên tốt nghiệp nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Một số lý do đáng chú ý là nhà trường chỉ đào tạo những gì mình có, chứ chưa căn cứ nhu cầu của các địa phương. Vì thế, ở khu vực này lại đang rất thiếu GV một số ngành như: Công nghệ,  Thể chất, Âm nhạc.

 

Thực tế là, năng lực đào tạo của nhiều trường sư phạm hiện nay đã không theo kịp với sự “bùng nổ” của tình trạng thiếu GV ở  các địa phương. Vì thế, không chỉ miền núi mà ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM cũng rơi vào tình trạng trên. Năm học này, Sở GD-ĐT TP. HCM đã thông báo tuyển hơn 4.000 GV để bổ sung cho năm học mới. Thế nhưng Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, Trường ĐH Sài Gòn - 2 nguồn đào tạo chính của thành phố mỗi năm chỉ có hơn 1.000 sinh viên ra trường, nghĩa là chỉ bằng 1/4 nhu cầu của hiện nay của thành phố.

 

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, mặc dù là thành phố lớn có sức hút các nguồn nhân lực từ khắp nơi nhưng đến nay, Hà Nội vẫn chưa thể chủ động được nguồn tuyển GV hàng năm. Chính vì vậy, về lâu dài cần có sự liên kết chặt chẽ giữa đơn vị đào tạo và bên sử dụng.

 

Để khắc phục tình trạng thiếu GV, hầu hết các trường đều dùng biện pháp “nóng” chính là GV phải “gồng mình” chạy sô dạy tăng tiết gấp vài ba lần so với quy định. Ông Trương Kim Minh nêu thực tế ở Lào Cai, ở cấp THCS, GV phải dạy 38 tiết/tuần (theo quy định là 19 tiết); THPT là 34 tiết/tuần (theo quy định là 17 tiết). Ngoài ra, nhiều nơi còn sử dụng biện pháp mời GV đã nghỉ hưu thỉnh giảng để lấp chỗ trống. Lào Cai cũng đã có chính sách thu hút GV nhưng không đủ sức hấp dẫn nên hiện tượng GV “chạy” về xuôi ngày càng phổ biến, thậm chí chấp nhận làm trái ngành nghề.

 

Theo các địa phương và các chuyên gia giáo dục, để khắc phục tình trạng thiếu GV triền miên thì cần làm tốt công tác dự báo về nhu cầu GV trong nhiều năm và dựa vào đó, các trường sư phạm phải xây dựng kế hoạch đào tạo “đón đầu” trước nhiều năm. Cần có cơ chế, chính sách để thắt chặt mối liên kết giữa đào tạo và sử dụng GV. Đặc biệt ở miền núi, chính sách ưu đãi càng phải được chú trọng và phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền.