Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực phải căn cứ vào thực tế mỗi trường.

09:08, 02/10/2008

Cùng với việc tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Hai không”, năm học 2008-2009, Bộ GD-ĐT triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Mục đích chủ yếu và ý nghĩa quan trọng nhất của phong trào này là tạo nên một môi trường giáo dục cả về vật chất và tinh thần an toàn, bình đẳng, gây hứng thú cho học sinh (HS) trong học tập, nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở  nỗ lực của nhà trường, xã hội vì người học.

 

Ngành GD-ĐT Thái Nguyên đề ra mục tiêu phấn đấu trong năm học này mỗi cấp học, ngành học có một đơn vị đạt tiêu chuẩn “Trường học thân thiện, HS tích cực”.  Để đạt được các tiêu chí của phong trào, mỗi trường tập trung giải quyết 3 vấn đề là: Mỗi nhà trường đều có nhà vệ sinh và tổ chức cho HS làm vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên; mỗi trường phổ thông đều nhận và chăm sóc di tích văn hoá, lịch sử cách mạng; lựa chọn và đưa trò chơi dân gian hoặc hoạt động tích cực khác vào nhà trường. Riêng với giáo dục mầm non cần đảm bảo phù hợp với đặc điểm hoạt động và tâm lý của trẻ.

 

Thuận lợi lớn nhất khi thực hiện phong trào này là trong những năm qua, ngành GD-ĐT đã triển khai Đề án xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, cũng như Cuộc vận động “Kỷ cương-tình thương-trách nhiệm”. Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng Giáo dục T.P Thái Nguyên cho biết: "Phòng đã chỉ đạo các trường triển khai phong trào tới toàn thể cán bộ, giáo viên, phụ huynh, HS. Qua phát động, cán bộ, giáo viên trong ngành thật sự phấn khởi vì phong trào là điều kiện tạo sự gắn bó hơn giữa cô và trò, tạo cho HS niềm đam mê trong học tập, gắn bó với trường, lớp. Từ đó mỗi giáo viên càng rõ hơn trách nhiệm của mình trong giảng dạy, gần gũi với HS. Qua đối chiếu các tiêu chuẩn cho thấy những trường đã đạt chuẩn Quốc gia đều có thể đạt được tiêu chuẩn của Phong trào này. Tuy vậy, Phòng vẫn để các trường tự đăng ký thi đua trên cơ sở thực tế của đơn vị".

 

Chúng tôi đến Trường THCS Tân Thành đúng vào buổi lớp 6A3 làm vệ sinh. Khi được hỏi, các bạn đi lao động có đủ không, lớp trưởng Nguyễn Hải Anh tươi cười: “Mỗi tuần lớp em có 1 buổi đảm nhận vệ sinh toàn trường. Các bạn đều tham gia rất đầy đủ. Qua việc lao động vệ sinh, chúng em thêm yêu trường hơn”. Nói về phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực", cô Vũ Thị Thanh Hường, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thành cho rằng: "Nếu tổ chức thực hiện tốt sẽ là nền tảng cho giáo dục. Tuy nhiên, có một tiêu chí mà không riêng trường tôi rất khó thực hiện đó là “nhận chăm sóc di tích văn hoá, lịch sử cách mạng”. Trên địa bàn phường Tân Thành không có di tích văn hoá, lịch sử cách mạng, cũng như nghĩa trang liệt sỹ. Vì thế, Trường đã có văn bản đề nghị và cử hiệu phó đến gặp lãnh đạo phường Trung Thành và xã Tích Lương để tổ chức cho HS vệ sinh, tu sửa nghĩa trang của 2 địa phương này". Tuy mới triển khai thực hiện Phong trào này được gần 1 tháng, song ở các huyện trong tỉnh gặp những khó khăn nhất định.

 

Theo đồng chí Nguyễn Tiến Tuệ, Trưởng phòng GD huyện Phú Lương: “Trong tổng số 60 trường mầm non, tiểu học, THCS, trừ 19 trường đã đạt chuẩn Quốc gia, số còn lại hầu hết đều thiếu phòng học, phải học trong các phòng tạm, vì thế rất khó cho việc tổ chức các hoạt động bổ trợ cho quá trình học tập để phát huy khả năng sáng tạo của HS. Toàn huyện còn 20% số trường công trình vệ sinh không đảm bảo yêu cầu. Để thực hiện tốt phong trào này, các nhà trường phải thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục, huy động các nguồn lực đầu tư cho trường đạt các tiêu chuẩn của trường chuẩn Quốc gia, thì mới đạt được mục tiêu của phong trào”. Theo thầy giáo Hoàng Việt Bằng, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Ninh: "Khó khăn nhất của trường là công trình vệ sinh cho HS không đảm bảo. Năm 2000, Tổ chức ADB có đầu tư xây dựng công trình vệ sinh cho HS, nhưng từ đó đến nay không sử dụng được vì mối đùn đất lên rất nhiều, công trình xây không đúng quy cách, không có nguồn nước dẫn vào…. Vì thế, trên 500 HS vẫn phải dùng khu vệ sinh cũ không đảm bảo vệ sinh. Trường đã đưa ra bàn bạc với các bậc phụ huynh để huy động đầu tư xây dựng, nhưng phần lớn các hộ dân điều kiện kinh tế khó khăn, một số phụ huynh còn phát biểu: Lấy lá cọ be tạm thành khu vệ sinh". Ngoài khu vệ sinh không đảm bảo, việc thu dọn và xử lý rác thải ở Trường THCS Yên Ninh còn rất thủ công. Hiện nay, Nhà trường cho HS thu gom rác, đổ thành đống đốt rồi chôn lấp. Những hôm trời mưa, nước và rác trên sườn đồi chảy xuống sân trường, trời nắng bốc mùi lên rất khó chịu. Để xây dựng trường theo tiêu chuẩn "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", chỉ riêng yếu tố này không đảm bảo.

 

Nhiều cán bộ quản lý giáo dục các trường cho rằng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” không phải là điều quá mới mẻ. Vì những năm học vừa qua ngành GD-ĐT đang đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó là thực hiện Cuộc vận động “Kỷ cương-tình thương-trách nhiệm”. Điều này là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, phong trào này chỉ thực sự mới, khi nó được triển khai cả về bề rộng và chiều sâu và các nhà trường biết căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, từ đó huy động có hiệu quả sự tham gia của thầy cô giáo, phụ huynh, HS, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức kinh tế-xã hội và nhân dân đóng góp xây dựng trường nhằm phát huy những yếu tố thân thiện đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém, tránh việc đăng ký và thực hiện phong trào một cách hình thức.