Giáo dục nhân cách – mục tiêu của toàn bộ hệ thống

09:09, 19/11/2008

Hơn 20 năm qua, nước ta có sự thay đổi đáng kể về các phương diện đời sống kinh tế, xã hội với hàng loạt những biến đổi rất lớn. Mặc dù theo chiều hướng tích cực, nhưng những hạn chế của kinh tế thị trường (đặc biệt là ở giai đoạn đầu) cũng bộc lộ rõ nét những tiêu cực và có xu hướng chi phối hệ thống giáo dục. Sản phẩm của giáo dục là những con người cụ thể chứa đựng những yếu tố truyền thống của nền kinh tế xã hội đó.

Nền giáo dục nước ta với bản chất tốt đẹp đã đem lại nhiều giá trị to lớn và có ý nghĩa “phúc lợi” cho con người, song cũng hình thành trong xã hội tâm lý thụ hưởng những giá trị đó mà không tính đến quá trình xã hội hoá, giáo dục phải phục vụ sự phát triển xã hội, đi trước sự phát triển. Giáo dục trong kinh tế thị trường cần sát hơn với thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ, sát với mọi mặt của đời sống xã hội... Theo đó, sự đổi thay trong hệ thống giáo dục trước hết phải từ nhận thức của cả xã hội và các thành viên trong hệ thống giáo dục về những giá trị lớn lao của giáo dục đối với sự phát triển.

 

 Những ai đã từng, nghiên cứu các tài liệu về giáo dục học sẽ thấu hiểu những vấn đề sau có căn cứ khoa học, dẫn đường cho chúng ta làm giáo dục: Quá trình giáo dục chịu tác động của nhiều nhân tố, đó là các nhân tố khách quan chủ quan, bên ngoài và bên trong. Trước hết là các điều kiện kinh tế- chính trị, pháp chế, hành chính, tư tưởng, văn hóa, tâm lý tập quán… của xã hội. Những ảnh hưởng này có tính chất bao trùm lên toàn bộ hoạt động giáo dục.

 

Trong hệ thống các tác động này, các hoạt động giáo dục của nhà trường, gia đình, các cơ quan văn hóa xã hội, các phương tiện thông tin…tác động trực tiếp hàng ngày, hàng giờ đến sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh. Sự tác động của các nhân tố rất khác nhau về cường độ, tính chất và tuỳ thuộc vào mức độ chiếm lĩnh môi trường của chủ thể con người. Về phương diện tổ chức hoạt động giáo dục, hoạt động của người thầy giáo có tính chất chủ đạo từ định hướng mục tiêu đến việc lựa chọn nội dung và phương pháp giáo dục trong các môi trường đa dạng. Hành vi của trò trước hết là “nhìn vào” lối sống, thói quen, cách làm trong các hoạt động của người thầy. Kết quả nghiên cứu về môi trường giáo dục cũng đã khẳng định vai trò của nhà giáo dục quyết định đối với sự hình thành nhân cách con người, đặc biệt ở những phạm vi môi trường phức tạp thì vai trò của người thầy dẫn dắt, định hướng rất quan trọng.

 

Giáo dục là quá trình có mục đích, có tính định hướng giá trị xã hội. Các giá trị xã hội xuất phát từ những nguyên lý chung của giáo dục, được đúc kết từ các giá trị văn minh của một nền văn hóa, của truyền thống và được phát triển các yếu tố mới trong tiến trình lịch sử của một dân tộc. Các giá trị đó được ghi trong Hiến pháp và hệ thống các văn bản pháp luật, được mọi người thừa nhận và là yếu tố điều chỉnh các hành vi xã hội. Giáo dục là một quá trình xã hội, có ưu thế là tính hướng đích rõ ràng, có sự lựa chọn nội dung và phương pháp, có lực lượng chuyên biệt và nhờ đó tính định hướng xã hội của giáo dục có hiệu quả hơn. Sự hình thành và phát triển nhân cách được diễn ra trong môi trường xã hội phức tạp. Sự đồng thuận của các lực lượng khác với giáo dục nhiều khi chỉ có vai trò hỗ trợ, còn trên thực tế, vai trò chủ đạo của giáo dục hầu như không có lực lượng nào có thể thay thế được. Mọi hành vi của giáo viên và các lực lượng giáo dục đều mang tính mục đích rõ ràng, những nội dung được lựa chọn, phương pháp được sử dụng đều hướng đến mục tiêu chung là hình thành những nét phẩm chất nhân cách tốt đẹp cho con người. Hoạt động chính của người thầy là lập kế hoạch hành động thiết thực và hiệu quả, chọn lọc các giá trị xã hội và thường xuyên nêu ra các ý tưởng mới, hiện đại và cố gắng làm theo để dẫn dắt học sinh. Hành động của trò là thực hiện những việc làm cụ thể từ nhỏ đến lớn, từ mục tiêu ngắn hạn đến mục tiêu dài hạn, luôn định hướng tiếp cận các giá trị có ý nghĩa, hướng đến mục tiêu xã hội.

 

Quá trình giáo dục đòi hỏi thời gian dài, giáo dục là suốt đời. Hình thành một khái niệm khoa học cho học sinh, có thể trong một thời gian ngắn. Tri thức khoa học có thể được lĩnh hội một cách nhanh chóng ở trên lớp và thông qua hệ thống bài tập luyện tập kỹ năng đã đem lại cho học sinh một cơ sở vững chắc và mức độ hiểu khái niệm khoa học có thể được xác nhận ngay. Đối với việc hình thành các chuẩn mực đạo đức như thái độ, niềm tin giá trị và các chuẩn hành vi khác không thể nhanh chóng được hình thành ở học sinh. Có thể về hiểu biết các chuẩn mực các em sẽ lĩnh hội được ngay, nhưng thông qua các việc làm để chuyển biến thành các hành vi, thói quen là điều không dễ dàng. Quá trình hình thành thói quen đòi hỏi chủ thể phải trải nghiệm lâu dài, được củng cố và phát triển ở các tình huống khác nhau trong cuộc sống, được đánh giá bởi những yếu tố được hình thành có ý nghĩa bản chất, trở thành thuộc tính của nhân cách. Do đó, kết quả giáo dục được đánh giá thành công nhiều khi không phụ thuộc vào yếu tố thời gian. Những mong muốn nhiều khi rất xác đáng của cha mẹ, của các nhà giáo dục với thế hệ trẻ về cơ bản là kỳ vọng tốt, nhưng có thể sẽ thiếu cơ sở khoa học dễ dẫn đến những hành vi vội vàng dẫn đến hậu quả xấu. Cái khó của giáo dục là ở chỗ không phải là cứ có mong muốn tốt đẹp, ý chí cao, điều kiện tốt thì có được ngay kết quả mong muốn.

 

Trong bước trưởng thành của nhân cách, đã xuất hiện yếu tố tự giáo dục, sự nhạy cảm của cá nhân về hành vi tự điều chỉnh phù hợp với chuẩn mực xã hội. Những yếu tố này có sức mạnh rất lớn và thậm chí có giá trị hơn nhiều những tác động giáo dục nhà trường mà thiếu phương pháp sư phạm đúng đắn. Do đó, có thể hiểu bản chất của những tác động sư phạm đến từng học sinh nói riêng và con người nói chung chính là khuyến khích con người tự điều chỉnh hành vi của mình. Quan điểm giáo dục suốt đời chính là đòi hỏi sự nỗ lực thường xuyên, sự tự lực vươn lên của con người, không phân biệt tuổi tác và giai đoạn phát triển. Cốt lõi của sự phát triển người là phát triển năng lực cá nhân - yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững. Trong nhà trường, các hoạt động của người thầy cần thể hiện được ý chí bền bỉ, có khả năng giúp người học vượt qua các trở ngại trong cuộc sống.

 

Quá trình giáo dục diễn ra rất phức tạp và mâu thuẫn và là nét bản chất quan trọng của giáo dục học. Các giá trị xã hội, các chuẩn mực đạo đức không tồn tại dưới dạng khái niệm khoa học, do đó khi trẻ em sống trong môi trường từ nhỏ chủ yếu chúng tiếp nhận những khái niệm đó một cách không ý thức, sự tiếp nhận được diễn ra một cách tự nhiên. Người lớn dù muốn cũng không thể áp đặt cho trẻ em những chuẩn mực đạo đức. Trong thực tế cuộc sống và trong giáo dục đã diễn ra những mâu thuẫn giữa yêu cầu giáo dục với điều kiện giáo dục, mâu thuẫn giữa các chuẩn mực giáo dục nhà trường có tính ổn định tương đối với sự biến đổi nhanh chóng của xã hội... Những mâu thuẫn này làm cản trở hoạt động giáo dục nhà trường, đồng thời cũng đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu của lý luận giáo dục hiện nay.  Điều quan trọng là người thầy cần sáng suốt để nhận diện mức độ phức tạp của yếu tố môi trường và tìm ra các mâu thuẫn cơ bản, chọn các tình huống điển hình để giải quyết.

 

 Giáo dục theo từng cá nhân, từng tình huống, diễn ra trong hoạt động sống của con người. Vấn đề quan trọng hiện nay đang được các nhà giáo dục quan tâm nghiên cứu là giáo dục thông qua tình huống, chủ động tạo ra tình huống để giáo dục trẻ và dựa vào các tình huống xuất hiện ngẫu nhiên để giáo dục, để uốn nắn trẻ em. Yêu cầu đặt ra là nhà giáo dục có theo sát được trẻ em để giúp trẻ ứng xử hay chỉ làm mẫu một số tình huống để giáo dục? Tình huống giáo dục nhà trường có tính sư phạm cao, ý nghĩa giáo dục lớn nhưng thực tế cuộc sống của trẻ lại phải đối mặt với nhiều tình huống khác phức tạp và đa dạng hơn nhiều. Càng trưởng thành, mức độ tác động của môi trường đến trẻ em càng mạnh, mức độ phức tạp của tình huống, của môi trường ngày càng tăng. Hoạt động sống của con người được diễn ra trong môi trường phức tạp, quá trình nhận thức và chuyển hoá tri thức thành những giá trị, niềm tin, hành vi đạo đức phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội được diễn ra lâu dài, tuỳ thuộc vào từng cá nhân và không thể tách khỏi cuộc sống hàng ngày của chính họ. Trong mọi hoàn cảnh, cá nhân phải tự ý thức cao về hành vi của mình, vai trò của tự giáo dục là quyết định đến kết quả giáo dục. Chính điều này cũng đòi hỏi phải thay đổi về các quy định chức năng và nhiệm vụ của người giáo viên phải khác trước.

 

Kết quả của giáo dục kết đọng lại ở chất lượng con người - chất lượng nhân cách. Sự vươn lên của con người được thúc đẩy bởi động cơ tự hoàn thiện mình, ý thức về bản thân, tìm phương thức tối ưu để thực hiện  mục đích sống tốt đẹp của mình. Thông qua đó, nhận thức, tình cảm thái độ của người được giáo dục đã được nâng lên, hành vi thói quen được tạo lập từ mức độ chưa hình thành được hình thành vững chắc. Sự tự tin và khả năng ứng phó trước các tình huống mới được nâng cao, thái độ sống tích cực hơn, phạm vi giao tiếp được mở rộng. Môi trường giáo dục được định hình và phát triển, đặc biệt là các quan hệ trong môi trường giáo dục và ngoài môi trường được thay đổi với tính chất cởi mở và tích cực. Khi chủ thể tích cực hoạt động trong những môi trường mới, sẽ phải đối mặt với những tình huống mới, đối tượng mới, mâu thuẫn không ngừng xuất hiện và không ngừng được giải quyết bởi nhu cầu tự thân của người học, nhờ đó quá trình giáo dục và quá trình tự giáo dục ngày càng phát triển không ngừng.

 

Như vậy, toàn bộ các nhân tố trong hệ thống giáo dục quan hệ hữu cơ gắn bó và nhờ vào quan hệ này để xác định chức năng của các nhân tố. Hệ thống giáo dục phải được đặt trong các hệ thống kinh tế xã hội, sự vận động tự thân của hệ thống giáo dục rất cần sự cộng hưởng của các hệ thống lân cận hoặc hệ thống lớn hơn. Do đó, việc cải tạo, đổi mới giáo dục phải được tiếp cận hệ thống, không thể tác động riêng lẻ đến một thành phần nào trong cấu trúc. Quan điểm về mục tiêu giáo dục nhân cách là cái đích  chung của toàn bộ hệ thống đang đòi hỏi chúng ta phải đồng bộ trong tổ chức thực hiện nhằm đạt được kết quả như mong muốn.