Nhọc nhằn ‘‘cái chữ’’ về bản

14:53, 16/11/2008

“Cái chữ” đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số của xã Thượng Nung (Võ Nhai) - nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống quả không dễ dàng chút nào. Hầu hết các em trước khi vào học lớp một đều sử dụng tiếng Mông, nên việc dạy chữ và tiếng phổ thông là rất khó…

Trong chuyến tác nghiệp vừa qua, chúng tôi đã có dịp mắt thấy, tai nghe và được biết thế nào là gian truân của người thầy “cắm bản” và nỗi nhọc nhằn trong việc học chữ của con trẻ tại các phân trường tiểu học nơi đây

 

Thầy Lộc Trung Thành đã 30 năm làm nghề giáo thì có tới hai phần ba thời gian thầy tham gia giảng dạy ở các xã vùng cao của huyện Võ Nhai. Cách đây hai năm, thầy cùng một số đồng nghiệp lên bản Lũng Hoài - một trong ba bản vùng cao có đồng bào người Mông sinh sống của xã Thượng Nung - làm giáo viên “cắm bản”. Do địa bàn đi lại xa xôi lại chỉ có thể leo bộ ngược dốc nên mỗi chuyến lên bản thầy đều phải cõng theo nào gạo nước, mắm muối và cả rau xanh nữa (trên bản không đủ nước để trồng rau) để đảm bảo sinh hoạt cả tuần. Mỗi chuyến đi cũng mất khoảng ba, bốn tiếng leo bộ. Cả nhà thầy Thành đều làm nghề dạy học và đều dạy ở trường tiểu học của xã Thượng Nung.

 

Thầy Thành từng tâm sự với các đồng nghiệp của mình: “Dù khó khăn đến đâu mình cũng có thể vượt qua bởi mình có cái tâm với nghề. Mỗi lần từ nhà lên bản nhìn thấy các em học sinh ngây thơ và hồn nhiên chơi đùa là bao nhiêu mệt nhọc trong người mình tự dưng tan biến”. Cuộc sống của các thầy, cô trên bản khó khăn và thiếu thốn đủ bề. 15 thầy cô đảm trách các lớp tiểu học ở ba bản đồng bào Mông sinh sống: Lũng Luông, Lũng Cà và Lũng Hoài phải ở trong vỏn vẹn mấy gian nhà quây tạm ở bên đầu mỗi lớp học các thầy cô tự chia gian để ở. Nước sinh hoạt và rau xanh ở trên bản thiếu trầm trọng. Do gùi rau từ dưới nhà lên dự trữ cả tuần nên thường các thầy cô phải ăn rau héo, úa. Khó khăn, vất vả nữa là đường điện sinh hoạt trên bản cũng chưa được kéo tới nơi.

 

 Ông Mã Văn Lầu, người dân tộc Mông sinh sống ở bản Lũng Luông nói trong niềm xúc động: Nhìn các thầy cô vất vả quá mà người dân trong bản không giúp được gì nhiều, chỉ biết cám ơn các thầy cô đã không quản ngại gian khó mang cái chữ lên dạy con em đồng bào. Thầy Phạm Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thượng Nung cho biết: Hai phần ba số giáo viên “cắm bản” đều ở các huyện Phổ Yên, Phú Bình và T.P Thái Nguyên lên công tác.

 

Mỗi người có hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau, nhưng tựu trung lại đều chung lòng say nghề và tâm huyết với sự nghiệp trồng người”. Thầy Phúc cũng đã có 30 năm gắn bó với nghề dạy trẻ. Từ năm 2002 đến nay, thầy Phúc về công tác tại Trường tiểu học Thượng Nung. Biết được những gian khó của đồng nghiệp trên các phân trường, hàng tháng thầy đều dành hai đến ba buổi leo bộ lên các Lũng động viên, thăm hỏi anh chị em và cùng vận động con em trong bản tích cực đến trường học chữ, làm toán…

 

Nếu đời sống sinh hoạt của các thầy cô đã có nhiều khó khăn thì chuyện dạy chữ cho con em trên bản còn lắm gian truân hơn. Trường tiểu học Thượng Nung có 24 lớp học thì có tới 15 lớp học ở các phân trường với khoảng 130 học sinh. Hầu hết các em trước khi vào học lớp một đều sử dụng tiếng Mông, nên việc dạy chữ và tiếng phổ thông là rất khó. Các em rất chậm tiếp thu vì hầu hết thầy cô đều không phải là người dân tộc Mông, không biết tiếng Mông. Có trường hợp, số học sinh lớp một năm trước bắt đầu làm quen với tiếng và chữ phổ thông, sau khi nghỉ hè bước vào học lớp hai thì kiến thức về tiếng và chữ phổ thông đã bị quên mất phần lớn, các thầy cô gần như phải dạy lại từ đầu. Nhiều em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc vì nản lòng nên thường xuyên nghỉ học. Có trường hợp học sinh nghỉ học tới hai, ba tháng sau mới đến lớp. Khi giáo viên đến nhà tìm hiểu thì được người nhà cho biết, các em theo cha mẹ lên rẫy trồng ngô rồi, bao giờ hết vụ mới về học tiếp được.

 

Được Ban Giám hiệu Trường tiểu học Thượng Nung cử lên các phân trường làm tổ trưởng phụ trách chung, các thầy cô, Trần Thị Én, Nông Thị Thâm, Lương Hồng Liêm đều là những người rất tích cực cùng đồng nghiệp vận động con em đồng bào trong bản đến lớp học chữ. Tuy nhiên, theo các thầy cô thì cần thiết phải có những giáo viên biết tiếng Mông, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào thì việc dạy chữ mới đạt kết quả cao được.

 

Về vấn đề này, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có nhiều cuộc họp với trưởng bản, với người già trong bản và phụ huynh học sinh để tìm ra phương pháp giúp các em tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần thiết phải có giáo viên biết tiếng Mông dạy các em lớp một để các em thông thạo chữ phổ thông. Nhiều người cũng mạnh dạn đề xuất cần có chính sách ưu tiên con em người Mông học hết trung học cơ sở được đi đào tạo thêm để đạt tiêu chuẩn về dạy chữ cho chính các em học sinh dân tộc mình. Trước hết đề nghị tỉnh nên có chính sách đối với các cộng tác viên hỗ trợ tiếng dân tộc trong dạy học ở các bản người Mông. Nếu không có người dân tộc Mông trực tiếp làm giáo viên giảng dạy hoặc các cộng tác viên thì chất lượng học tập của học sinh sẽ không thể nâng cao được.

 

Trong buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tại xã Thượng Nung mới đây, đại diện cử tri  phía trường học cũng có kiến nghị như trên và mong rằng tới đây Nhà nước sẽ có cơ chế ưu tiên phù hợp, góp phần từng bước nâng cao chất lượng dạy và học ở những bản làng vùng cao của xã Thượng Nung nói riêng và của cả tỉnh nói chung.