Việt Nam đứng hạng 79/129 về chỉ số phát triển giáo dục

08:49, 03/11/2008

Ngày 3/11, UNESCO đã công bố "Báo cáo Giám sát Toàn cầu giáo dục cho mọi người" năm 2008, trong đó cho thấy Việt Nam xếp hạng 79/129 quốc gia và có khả năng không thể xóa mù chữ cho người lớn vào năm 2015. 

Tình trạng này cũng tương tự với Brunei, Myanmar, Philippin. Ở khu vực Đông Nam Á,  các nước Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan có nhiều cơ hội đạt được mục tiêu này vào cùng thời gian.

Báo cáo Giám sát Toàn cầu là một ấn phẩm thường niên do UNESCO biên tập. Chủ đề của năm nay là nhìn lại và đánh giá kết quả thực hiện trong nửa chặng đường đã qua để tiến tới các mục tiêu của Giáo dục cho mọi người (GDCMN) vào 2015. 

Theo đó, Việt Nam hiện đang trong giai đoạn trung gian trong việc đạt được mục tiêu GDCMN theo đo lường của Chỉ số phát triển GDCMN (EDI).

Năm 2008, với chỉ số EDI 0,899, Việt Nam đứng thứ 79 trên tổng số 129 quốc gia.

Theo báo cáo này, những thách thức lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á là giảm số lượng trẻ em thất học, cải thiện chất lượng giáo dục, mở rộng việc chăm sóc giáo dục mầm non, tỷ lệ biết chữ ở người lớn và tăng cường tỷ lệ tham gia trung học.

Việt Nam cùng với Philippin, Myanmar, Thái Lan và Indonessia đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất về số trẻ em bỏ học.

Tình trạng mất cân bằng về giới tại bậc tiểu học vẫn thường trực tại Campuchia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, với nhiều trẻ em nam đi học hơn các em nữ.

Các chuyên gia của UNESCO khẳng định, nếu các chính sách về giáo dục không được xây dựng hướng tới trẻ em nghèo và thiệt thòi, tình trạng bất bình đẳng xã hội sẽ trở nên trầm trọng hơn do chất lượng giáo dục thấp và các hệ thống trường lớp phân hoá rõ rệt.

Cũng trong báo cáo này, UNESCO khuyến nghị các quốc gia phân bổ ngân sách cho giáo dục tương đương ít nhất 6% GDP.

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng những thông tin mà báo cáo đưa ra là vấn đề đáng quan tâm. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề ở tất cả các địa phương mà chỉ tập trung ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính phủ Việt Nam và ngành giáo dục đào tạo đã đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài thể trực tiếp giúp đỡ học sinh học kém, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; giải pháp về học phí khi thực hiện đề án học phí mới; phát triển kinh tế xã hội ở các vùng khó khăn.