Phối hợp hoạt động KH&CN giữa các trường ĐH với các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

15:14, 27/12/2008

Phối hợp hoạt động khoa học&công nghệ (KH&CN) giữa các trường ĐH với các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc là chủ đề của cuộc hội thảo do Đại học Thái Nguyên tổ chức ngày 28/12.

Dự hội thảo có PGS-TS Nguyễn Phúc Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GD-ĐT); T.S Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ địa phương (Bộ KH&CN), các đồng chí là giám đốc, phó giám đốc các Sở Nông nghiệp và PTNT, KH&CN các tỉnh miền núi phía Bắc, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và lãnh đạo các trường thuộc ĐHTN.

 

Phát biểu tại hội thảo, GS-TS Từ Quang Hiển, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHTN đã nhấn mạnh: Trong những năm qua, ĐHTN đã chủ động điều tra nắm bắt nhu cầu xã hội trong lĩnh vực chuyển giao KHCN. Đặc biệt là 3 năm trở lại đây, ĐHTN đã phối hợp với 3 địa phương là Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn triển khai chuyển giao hàng trăm đề tài KHCN, với kinh phí lên tới trên 100 tỷ đồng.

 

Phát biểu tham luận tại hội thảo, các ý kiến của nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đánh giá lại kết quả phối hợp giữa các trường thuộc ĐHTN với các địa phương về tính phù hợp của các đề tài, dự án, khả năng thực hiện các công nghệ…Nhìn chung, những thành quả ban đầu trong việc chuyển giao KHCN đã góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay. Nhiều đề tài, dự án đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho các địa phương. Thông qua đó còn nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học của cán bộ địa phương, dân trí cho đồng bào các dân tộc và là địa bàn để các nhà trường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành quả KHCN đã nghiên cứu. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế như: Nội dung chương trình hợp tác bao gồm lĩnh vực KHCN, tuy nhiên phần lớn các dự án mới chỉ tập trung vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực khác còn hạn chế…

 

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Phúc Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&Môi trường đã kết luận: Với tiềm lực đội ngũ các nhà khoa học tương đối lớn như ĐHTN thì nhìn vào kết quả chuyển giao KHCN như trên là rất khiêm tốn, đặc biệt so với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị. Hội thảo đã chỉ ra những nguyên nhân của những hạn chế. Thời gian tới, đề nghị các trường ĐH tiếp tục nắm bắt nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp và bản thân các tỉnh tăng cường hơn nữa sự phối hợp với các nhà trường, từ đó xây dựng các đề tài bám sát thực tiễn đòi hỏi của cuộc sống, góp phần thúc đẩy nền kinh tế-xã hội ở các vùng đặc biệt khó khăn ngày một phát triển.