Thí sinh có thể được tuyển thẳng vào hệ đại học và cao đẳng hình thức vừa làm vừa học

08:45, 02/12/2008

Đây là một trong nhiều điểm được quy định rõ ràng và cụ thể trong Quyết định số 62/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành ngày 15/11/2008.

Theo đó, những người đã có bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ có nguyện vọng học ĐH, CĐ ngành học khác theo hình thức vừa làm vừa học (VLVH) được xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ theo hình thức VLVH… Quy định này tạo điều kiện cho mọi người có nguyện vọng và khả năng được mở rộng thêm cơ hội học tập nâng cao trình độ và nghiệp vụ, đáp ứng tốt nhất nhu cầu đòi hỏi của việc làm trong tình hình mới.

 

Cũng theo đó, Quyết định này quy định: nhà trường được tuyển sinh hình thức VLVH các ngành đã có quyết định giao nhiệm vụ đào tạo chính quy và có ít nhất 2 năm đào tạo chính quy các ngành học đó.

 

Chương trình đào tạo được thiết kế như chương trình đào tạo chính quy cùng trình độ. Kế hoạch đào tạo được xây dựng phù hợp với việc tổ chức đào tạo theo hình thức VLVH. Trường phải có đội ngũ giảng viên đủ số lượng, đạt chuẩn và đồng bộ về cơ cấu; có cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện đồng thời đào tạo chính quy và đào tạo theo hình thức VLVH.

 

Hàng năm các trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ hình thức VLVH chỉ tổ chức tuyển sinh 4 đợt vào tháng 3, tháng 4, tháng 10 và tháng 11; mỗi đợt thi 04 ngày từ ngày 15 đến ngày 18…

 

Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng ưu tiên kế tiếp là 1,0 điểm; giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm. Điểm xét tuyển tối thiểu ĐH các khối A, B, C, D là 12 điểm của 3 môn thi (không nhân hệ số) đối với học sinh phổ thông Khu vực 3. Điểm xét tuyển tối thiểu CĐ là 09 điểm của 3 môn thi (không nhân hệ số) đối với học sinh phổ thông Khu vực 3.

 

Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ chịu trách nhiệm toàn diện trong tất cả các khâu của công tác tuyển sinh hình thức VLVH: tổ chức in sao, bảo quản, sử dụng đề thi; biên soạn đề thi các môn năng khiếu, nghệ thuật; tổ chức kỳ thi; chấm thi và phúc khảo; xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển…

 

Các trường không có điều kiện tự ra đề thi đối với những môn năng khiếu, nghệ thuật, không được mời người tham gia biên soạn, phản biện đề thi với tư cách cá nhân mà phải ký hợp đồng làm đề thi với trường khác. Hợp đồng phải ghi rõ quyền và trách nhiệm của mỗi bên…

 

Trước kỳ thi chậm nhất là một tuần, Hội đồng tuyển sinh phải tổ chức các điểm thi và chuẩn bị đủ số phòng thi cần thiết. Mỗi phòng thi chỉ bố trí tối đa 30 thí sinh, phải có đủ ánh sáng, bàn, ghế, phấn, bảng. Khoảng cách giữa hai thí sinh liền kề nhau phải từ 1,2m trở lên. Vị trí phòng thi phải đảm bảo an toàn, yên tĩnh, tách biệt với khu nhà ở và khu làm việc. Mỗi phòng thi phải có 02 cán bộ coi thi.

 

Nội dung đề thi phải bảo đảm tính khoa học, chính xác, chặt chẽ. Lời văn, câu chữ phải rõ ràng, không có sai sót, đạt yêu cầu phân loại được trình độ của thí sinh và phù hợp với thời gian quy định cho mỗi môn thi. Không ra đề thi ngoài chương trình và vượt chương trình THPT. Không ra đề vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm (phần chữ nhỏ, các phần đã ghi trong văn bản quy định về điều chỉnh chương trình). Không ra đề vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải. Không ra đề quá khó, quá phức tạp mang tính đánh đố…

 

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.