Võ Nhai thiếu nhiều phòng học cho giáo dục mầm non.

09:20, 08/12/2008

Hơn một nửa trong tổng số phòng học mầm non tại các xã của huyện Võ Nhai phải nhờ nhà văn hóa xóm, nhà dân, nhiều học sinh phải học ghép trong các phòng học làm bằng tre, nứa… thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác giáo dục mầm non của huyện.

Ông Hoàng Văn Chấn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Võ Nhai cho biết: Võ Nhai có  15 xã và thị trấn, hiện toàn huyện được Nhà nước đầu tư xây dựng 17 trường mầm non đặt tại trung tâm các xã và một số cụm dân cư. Ở tuyến xã, các trường mầm non đã tổ chức được 192 phòng học tại các xóm và cụm dân cư, ngoài số phòng học do Nhà nước đầu tư xây dựng kiên cố thì toàn huyện có 105 lớp vẫn đang phải học nhờ nhà văn hóa xóm, nhà dân, tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện hiện còn trên 10 phòng học tạm làm bằng tranh tre nứa lá.

 

Năm học 2007-2008, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo của toàn huyện đạt trên 90%, nhưng tỷ lệ trẻ từ 1 đến 2 tuổi ra nhà trẻ chỉ đạt 19,3%, nguyên nhân của tình trạng này là do các phòng học mầm non tại các xóm không đảm bảo các điều kiện về an toàn và vệ sinh, vì thế các giáo viên không thể thực hiện trông trẻ được.

 

Trong chuyến khảo sát thực tế tại các xã: Vũ Chấn, Nghinh Tường, Phương Giao (Võ Nhai), được tận mắt chứng kiến những thiếu thốn về cơ sở vật chất, phòng học dành cho giáo dục mầm non (GDMN), chúng tôi càng cảm thông hơn với những vất vả mà cô và trò nơi đây phải hàng ngày vượt qua. Đến xóm Khe Cái, xã Vũ Chấn, gặp cô giáo Ma Thị Xuân trong lớp học tạm rộng gần 10 m2 vừa được dựng hồi đầu tháng 9/2008, cô cho biết: Xóm Khe Cái có 2 khu dân cư nằm cách xa nhau, đường đến lớp mẫu giáo đi bộ phải mất 2 đến 3 tiếng đồng hồ nên nhiều gia đình không thường xuyên đưa con đến lớp được, thay vì việc dựng lớp ở trung tâm xóm, nhà trường đã quyết định mở các lớp ở gần khu dân cư để thuận tiện hơn cho việc đưa trẻ đến lớp học. Do trường chưa có nguồn kinh phí xây dựng nên phụ huynh của các học sinh phải tự đóng góp vật liệu (Tre, nứa, lá cọ), góp ngày công, mượn đất của dân để làm phòng học. Hiện tại nền phòng học là nền đất nên vào những ngày mưa rất ẩm ướt và bẩn, vách phòng học làm bằng nứa chỉ cao khoảng 1,5 m nên mùa đông không tránh được gió lùa, phòng học không có cửa chắc chắn nên hàng ngày cô giáo phải gửi các đồ dùng giảng dạy cho học sinh ở nhà dân, rất bất tiện và mất thời gian.

 

Tại xã Nghinh Tường, chúng tôi được cô giáo Phạm Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Nghinh Tường cho biết: Xã có 12 xóm, trong đó 6 xóm người dân tộc Dao, 6 xóm người dân tộc Tày. Ngoài điểm trường chính đặt tại trung tâm xã, hiện trường đang tổ chức 6 lớp học tại các xóm, các lớp học này từ nhiều năm nay vẫn phải học nhờ trong nhà văn hóa xóm; tại các xóm La Hấu, Thượng Lương, Hạ Lương (chủ yếu là người dân tộc Dao) điều kiện kinh tế của bà con quá khó khăn nên cô giáo rất vất vả trong việc vận động các gia đình đưa trẻ đến lớp mẫu giáo, có trẻ đến lớp rồi nhưng duy trì không đều và có nguy cơ bỏ lớp vì bố mẹ bận làm nương rẫy không đưa con đi được. Vào mùa rét, do không đủ quần áo ấm nên nhiều gia đình không cho trẻ đến lớp, các cô giáo của trường phải cùng nhau quyên góp quần áo ấm mang tặng nhưng cũng chỉ giải quyết được cho một số trẻ chứ không thể hết được.

 

Thực trạng công tác GDMN ở võ nhai hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong đó khó khăn nhất là thiếu các phòng học được xây dựng kiên cố. Việc đưa chương trình mới theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo vào giảng dạy trong năm học 2008-2009 đã được Phòng Giáo dục huyện triển khai, nhưng đến nay hầu hết các trường mầm non mới chỉ thực hiện được ở các điểm trường chính, còn ở các điểm phải học nhờ nhà văn hóa xóm, nhà dân, phòng học tạm thì chưa thể thực hiện được do phòng học không đủ các tiêu chuẩn cần thiết.

 

Thiếu phòng học dẫn đến việc phải ghép các nhóm tuổi vào cùng một lớp học, điều này gây nhiều khó khăn trong việc dạy kiến thức cho trẻ, khi cô dạy hát cho nhóm trẻ 3- 4 tuổi thì trẻ 5 tuổi cũng phải hát theo, mặc dù bài hát này các em đã được học từ trước; khi các cô dạy trẻ 5 tuổi làm quen với con số và chữ viết thì trẻ 3- 4 cũng học theo, nhưng thực tế thì các em chưa thể tiếp thu được.

 

Bên cạnh khó khăn về phòng học thì điều kiện kinh tế còn hạn hẹp của người dân, địa hình đi lại khó khăn, bất đồng về ngôn ngữ cũng đang là rào cản gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục mầm non ở Võ Nhai. Hiện có rất ít cô giáo mầm non ở huyện là người dân tộc Mông, Dao, mà chủ yếu là người Tày và Kinh, trong khi đó các lớp học mở ở các bản vùng cao thường có nhiều trẻ người Mông, người Dao đến học, số trẻ này lúc mới đến lớp thường là không biết tiếng phổ thông, quá trình giảng dạy cô và trò chưa hiểu ngôn ngữ của nhau nên phải mất hơn nửa năm để làm quen, khi trẻ biết tiếng phổ thông rồi mới tiếp đến việc dạy trẻ làm quen với con số và chữ viết.

 

Tại xã Vũ Chấn đã có một số trẻ người dân tộc Dao, từ lúc còn nhỏ cho đến 5 tuổi  chỉ ở nhà mà chưa được đưa đến lớp mẫu giáo, nguyên nhân là do gia đình kinh tế quá khó khăn, nhà ở quá xa điểm trường nên trẻ không được bố mẹ đưa đến lớp. Đến 6 tuổi số trẻ này đi học lớp 1, lúc này mới bắt đầu quá trình học tiếng phổ thông, làm quen với con số, chữ viết, đương nhiên trẻ sẽ khó theo kịp các bạn cùng trang lứa đã được qua lớp mẫu giáo tại xóm, kết quả học tập cũng vì thế mà rất kém do không nắm bắt được kiến thức. Năm học 2007-2008 vừa qua, gần 35% học sinh lớp 1 của toàn huyện Võ Nhai có học lực trung bình và yếu.

 

Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của nhân cách con người. Những khó khăn trong công tác GDMN ở Võ Nhai hiện đang cần được các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn. Bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước thì huyện cũng cần tích cực huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh việc xã hội hoá giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để mọi tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn.