Trong những năm gần đây “việc thừa thầy thiếu thợ” đã trở thành vấn đề đáng quan ngại đối với các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động. Đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, lao động nhiều, thậm chí là dư thừa, thế nhưng các doanh nghiệp vẫn túng túng trong việc tuyển chọn lao động có tay nghề chính vì vậy việc đầu tư xây dựng, củng cố những trung tâm dạy nghề ở các huyện, thành thị là việc làm hết sức cần thiết và thiết thực. Đại Từ là một trong những địa phương đã làm tốt công tác này.
Trung tâm Dạy nghề huyện Đại Từ mới được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang với tổng số vốn lên tới hàng tỷ đồng. Hoạt động của Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; của UBND huyện trong việc xây dựng kế hoạch cũng như tổ chức các hoạt động đào tạo dạy nghề cho người lao động trên địa bàn. Các chủ trương, chính sách của Nhà nước đã quan tâm đúng mức đến vấn đề này, nên tạo đà cho công tác dạy nghề trên địa bàn phát triển. Các hoạt động dạy nghề được tổ chức đúng kế hoạch, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động trong nước cũng như lao động nước ngoài, gắn kết được việc dạy nghề với công tác bố trí việc làm sau đào tạo, góp phần giải quyết lực lượng lao động dư thừa trong nông thôn trung bình mỗi năm từ 200-300 lao động.
Trung tâm đã tăng cường các biện pháp quản lý, liên kết đào tạo, thực hiện lồng ghép, phối hợp với các chương trình dự án trong đào tạo, dạy nghề đảm bảo sau đào tạo người lao động có việc làm, có thu nhập. Riêng năm 2008, Trung tâm đào tạo tổng số 29 lớp với 1.126 học viên, trong đó lớp tin học văn phòng 330 học viên; lớp may công nghiệp 30 học viên; lớp thêu ren 70 học viên; lớp hàn 25 học viên; lớp ngoại ngữ 25 học viên; lớp chuyển giao KHKT là 300 học viên; xuất khẩu lao động, giáo dục định hướng 50 học viên… Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết với Trung tâm dạy nghề Quỳnh Mai mở lớp lái xe ô tô hạng B2, đến nay đã hoàn thành khoá I, tiếp tục tuyển sinh khai giảng khoá thứ II, thứ III; liên kết với Trường trung cấp nghề tổng hợp Hà Nội khai giảng 2 lớp Trung cấp nghề điện và du lịch, tiếp tục có kế hoạch tuyển sinh các lớp trung cấp nghề với các ngành: Lập trình máy tính; kế toán doanh nghiệp, ẩm thực lễ tân… Trong năm 2008, các nguồn kinh phí đào tạo là hơn 270 triệu đồng; đầu tư xây dựng cơ bản là 3,2 tỷ đồng; kinh phí chương trình mục tiêu tăng cường năng lực cơ sở vật chất thiết bị là 500 triệu đồng. Các nguồn kinh phí đều được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả trong công tác dạy nghề. Các thiết bị máy móc được vận dụng đúng ngành, đúng nghề, đúng mục đích…
Năm 2009, Trung tâm sẽ tăng cường đào tạo, giới thiệu việc làm cho lao động vùng 135; vùng di dời, tái định cư… Phấn đấu đào tạo, dạy nghề cho khoảng 1.145 lao động, giải quyết việc làm cho từ 200-400 lao động. Trung tâm cũng sẽ tổ chức nhiều hơn nữa các chương trình phổ biến kiến thức khoa học, kinh nghiệm sản xuất cho mọi đối tượng, đặc biệt là đối tượng chính sách xã hội. Làm tốt công tác phối hợp với các trung tâm trong và ngoài tỉnh để liên kết đào tạo dạy nghề, mở rộng thị trường lao động, khuyến khích việc học nghề của người dân…
Tuy nhiên, để các chương trình đào tạo nghề của Trung tâm thật sự phát huy hiệu quả cao, ông Cao Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm kiến nghị: Về đào tạo dạy nghề cần phải có chính sách và chiến lược lâu dài nhằm phát huy và phát triển công tác dạy nghề của địa phương. Ngoài nguồn vốn kinh phí của tỉnh, huyện cần phải dành một khoản kinh phí nhất định đầu tư mô hình làng nghề và cho người dân tham gia học nghề; làm tốt công tác tuyên truyền về học nghề, tạo việc làm cho người lao động…