Ngày 30/12, Bộ GD-ĐT đã hoàn tất dự thảo Chiến lược phát triển Giáo dục (GD) Việt Nam giai đoạn 2009 - 2020 lần thứ 14. So với phiên bản lần thứ 13, dự thảo lần này nêu lộ trình thực hiện mục tiêu theo 3 giai đoạn.
Từ 2009 - 2010, điều chỉnh một số chỉ tiêu và tiếp thu thực hiện Chiến lược phát triển GD 2001-2010. Tập trung vào một số trọng điểm: đẩy mạnh cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy học; chấn chỉnh nề nếp kỷ cương trong các hoạt động GD để xây dựng môi trường GD lành mạnh; cải cách hành chính triệt để trong hệ thống quản lý GD từ trung ương đến địa phương.
Từ 2011-2015, triển khai chương trình GD mầm non mới, chuẩn bị chương trình GD phổ thông mới, đồng thời tăng cường sử dụng các chương trình đào tạo tiên tiến, quốc tế ở các cơ sở GD nghề nghiệp và ĐH.
Tổ chức đánh giá quốc gia và tham gia chương trình đánh giá quốc tế về kết quả học tập. Đổi mới cơ cấu và quản lý nhà nước đối với hệ thống GD quốc dân…
Giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung đẩy mạnh việc xây dựng các ĐH đạt chuẩn quốc tế; thực hiện những điều chỉnh cần thiết về các mục tiêu, chỉ tiêu chiến lược và đánh giá kết qủa thực hiện.
Bộ GD-ĐT cho biết, phiên bản 14 dự thảo Chiến lược phát triển GD Việt Nam đã tiếp thu những đóng góp này và bổ sung kèm theo một số phụ lục, nhằm giải trình cho những chỉ tiêu, kế hoạch trong khi các chỉ tiêu, kế hoạch vẫn cơ bản được giữ nguyên.
Đồng thời, trước nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý….lần này, kèm theo bản dự thảo chiến lược phiên bản 14, Viện Khoa học Giáo dục (Bộ GD-ĐT) đã xây dựng bản giải trình về những điểm mới trong mục tiêu của chiến lược.
7 điểm mới
Bộ GD-ĐT cho rằng, Chiến lược 2009 - 2020 đã xác định rõ tầm nhìn GD Việt Nam trong vòng 2 thập kỷ với kỳ vọng xây dựng một nền GD hiện đại mang bản sắc dân tộc, xây dựng xã hội học tập và đào tạo những người Việt Nam mới.
Ở phần giải trình, phiên bản 14 của dự thảo Chiến lược phát triển GD 2009 - 2020, Bộ GD-ĐT chỉ ra 7 điểm mới so với Chiến lược 2001 - 2010.
1. Lấy quản lý chất lượng làm trọng tâm, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD; thực hiện cải cách hành chính triệt để trong toàn hệ thống, tin học hóa toàn bộ công tác quản lý.
2. Tập trung vào việc tạo ra động lực dạy học và rèn luyện nâng cao năng lực nghề nghiệp bằng cách thay đổi chính sách tuyển dụng, đánh giá chế độ đãi ngộ, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh, đổi mới toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo các chương trình tiên tiến quốc tế, thu hút các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia giảng dạy ở các trường ĐH.
3. Tái cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mới, đa dạng hóa, liên thông, khắc phục tình trạng mất cân đối, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.
4. Thay đổi cơ bản chương trình GD phổ thông theo hướng tích hợp, phân hóa, tăng cường hoạt động xã hội, áp dụng các chương trình giáo dục tiên tiến trên thế giới đối với giáo dục nghề nghiệp và ĐH, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về trình độ ngoại ngữ của HSSV.
5. Chất lượng GD ở các cấp học và trình độ đào tạo sẽ được đánh giá quốc gia và công bố kết qủa trước xã hội. Trước mắt, đối với GD phổ thông thực hiện đánh giá quốc gia 3 năm/lần, tiến tới đánh giá quốc tế về chất lượng.
6. Thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo.
7. Xây dựng các mô hình cơ sở giáo dục tiên tiến, tạo môi trường lành mạnh ở mọi cấp học và trình độ đào tạo.
Vẫn theo Bộ GD-ĐT, để thực hiện các mục tiêu của chiến lược đề ra, ngoài ngân sách hàng năm cho GD và chương trình kiên cố hóa trường lớp học, sẽ dành ngân sách để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia vào GD và đào tạo…
Dự kiến, bản dự thảo lần thứ 14 sẽ được giới thiệu tới các sở, phòng GD-ĐT toàn quốc qua cầu truyền hình vào ngày 31/12.