Môi trường giáo dục trong trường học bao hàm các điều kiện vật chất và tinh thần chứa đựng hệ thống các giá trị của hoạt động giáo dục, ảnh hưởng đến quá trình giáo dục.
Những điều kiện vật chất của môi trường giáo dục này bao gồm các điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất phục vụ cho mọi hoạt động của nhà trường, trong đó nổi bật là cơ sở vật chất của hoạt động dạy và học. Những yếu tố tinh thần bao gồm không khí làm việc, những nét truyền thống, các giá trị cùng với quan niệm và thái độ của thầy và trò trong hoạt động dạy và học; trong các mối quan hệ, cung cách ứng xử của các thành viên, quan điểm chỉ đạo của cán bộ quản lý…
Hiện nay, môi trường giáo dục của các nhà trường trên địa bàn tỉnh có nhiều yếu tố tích cực. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cơ bản là ổn định và có xu hướng phát triển tốt; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đại đa số các trường đã được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh và ngành. Hoạt động giáo dục được các nhà trường quan tâm toàn diện trên tất cả các mặt (đức, trí, lao, thể, mỹ). Đội ngũ cán bộ giáo viên được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực và nhiệt tình trong công tác; trải qua quá trình công tác, tiềm năng chuyên môn cũng như năng lực sư phạm, vốn sống của cán bộ giáo viên có điều kiện được bộc lộ.
Phương pháp dạy học trong các nhà trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Với phương châm lấy học sinh làm nhân vật trung tâm, người thầy là cố vấn, gợi mở giúp tiếp thu kiến thức đã kích thích được hứng thú học tập trong học sinh. Các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ dạy và học đã được quan tâm xây dựng, bổ sung (như phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm, trang thiết bị,...). Với nhịp sống mới của nền kinh tế thị trường, đời sống vật chất và tinh thần của các thầy cô giáo và đa số các tầng lớp nhân dân đã được cải thiện, nâng lên so với những năm trước đây; các chế độ chính sách cũng có những thay đổi phù hợp, kịp thời động viên đội ngũ cán bộ, giáo viên. Do vậy các thầy cô yên tâm hơn trong công tác, có điều kiện quan tâm đến chuyên môn cũng như diện mạo bên ngoài của mình khi lên lớp; các gia đình có điều kiện quan tâm đến việc học hành của con cái. Hoạt động của các đoàn thể và các phong trào thi đua trong nhà trường (như thi đua dạy tốt, học tốt; phong trào Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cuộc vận động Hai không với 4 nội dung,…) được tổ chức tốt hơn đã tạo nên không khí sôi nổi trong giảng dạy, học tập và rèn luyện của thầy và trò.
Các yếu tố trên tạo nên môi trường giáo dục thuận lợi để triển khai hoạt động dậy và học trong các nhà trường; đồng thời tạo điều kiện xây dựng, phát triển và kiến tạo môi trường văn minh trong giáo dục.
Tuy nhiên, môi trường giáo dục của các nhà trường vẫn chưa theo kịp nhu cầu và đòi hỏi của thực tế giáo dục.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực trong chuyên môn cũng như phong cách, lối sống và phương pháp truyền đạt, song chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội đang phát triển theo hướng hiện đại. Cá biệt, trong ngành còn có cán bộ giáo viên biểu hiện suy thoái đạo đức làm ảnh hưởng đến uy tín chung của người thầy. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập đã được quan tâm xây dựng và bổ sung nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Ví dụ như: Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2006-2007, môn Tin học được đưa vào chương trình học chính khoá của các trường THPT nhưng máy tính trang bị chưa kịp; một số trường nhận máy tính về nhưng chưa có phòng đạt chuẩn để lắp đặt thiết bị; vẫn còn hiện tượng giáo viên và học sinh thực hiện học "chay", số gìờ thực hành còn ít; vả lại giáo viên của một số trường còn thiếu và yếu về chuyên môn, chưa kịp đào tạo và đào tạo lại… Nhiều trường sĩ số học sinh trong một lớp cao (48-50 học sinh), vẫn còn các lớp học ở tình trạng tạm thời, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi.
Việc đổi mới giáo dục trung học phổ thông theo hướng phân ban còn nhiều lúng túng trong việc bố trí giáo viên lên lớp, phòng học, tài liệu, thiết bị nghe nhìn... Hoạt động của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường còn nghèo nàn về nội dung, chậm đổi mới về phương pháp nên chưa thu hút được nhiều thành viên tham gia. Đa số các trường còn thiếu nơi tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao, vui chơi giải trí cho học sinh; cảnh quan môi trường của nhiều trường chưa đạt chuẩn; các hoạt động ngoại khoá, tham quan, dã ngoại chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý ở nhiều trường còn yếu do trình độ cán bộ quản lý, cơ chế bất cập, phương tiện phục vụ hoạt động còn thiếu và lạc hậu...
Để đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn cách mạng mới, trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, thiết nghĩ các ngành, các cấp trong tỉnh cần tiếp tục quan tâm đến việc củng cố, xây dựng và phát triển môi trường giáo dục trong các nhà trường về cả vật chất và tinh thần, các yếu tố bên trong và bên ngoài; đổi mới và phát triển từ mục tiêu, nội dung, phương pháp đến phương tiện giáo dục, đánh giá chất lượng giáo dục. Có môi trường giáo dục tốt, phù hợp với thực tế khách quan sẽ giúp cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của tỉnh đạt hiệu quả cao, học sinh có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển cho mình, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung cấp, học nghề hoặc lao động có ích cho xã hội.