- HS được nghỉ Tết dài hơi hơn, "chèn" cả vào những ngày đi làm của cha mẹ, ôsin lại về quê ăn Tết. Nhiều bậc phụ huynh "xoay trần" chăm sóc con cái và gần như không "ngẩng mặt" lên được. Ra Tết, con chưa đến ngày đi lớp, nhiều bà mẹ phải chạy đôn chạy đáo gửi con hoặc phải đưa cả đến chỗ làm.
Chỉ trông con mà suýt...cháy nhà!
Chị Lê Hằng, quận Đống Đa, Hà Nội có 2 con, lớn học lớp 3, bé thì mới 5 tuổi nên mấy ngày Tết chị "quay như mòng mòng" vì vắng ôsin: "Cho đến mồng 4 tôi không ngẩng mặt lên được vì phải lo ngày 3 bữa cơm và chăm sóc, tắm giặt cho bọn trẻ". Theo lịch cơ quan, mồng 5 Tết đi làm, nhưng HS vẫn được nghỉ học nên chị chỉ kịp chạy lên cơ quan điểm danh rồi lại nhanh chóng chạy về nhà để trông con.
Mẹ chăm con, làm việc nhà nhưng nhiều khi cũng hoảng vía. Hôm mùng 5 Tết, chị Hằng chỉ lơ là với cậu con trai 5 tuổi một tí do mải cơm nước mà suýt nữa thì cháy nhà: Thằng bé lôi cả đống đồ chơi và đống báo cũ ra...đốt. Thấy lửa cháy, cu cậu cũng không biết cách gọi mẹ, chị Hằng thấy khói bốc lên mới tá hỏa chạy đến dập lửa. Theo chị Hằng, phải có người lớn luôn canh chừng bọn trẻ, không thể để con khuất tầm nhìn. Ngày nào chúng được nghỉ thì ngày đó bố hoặc mẹ sẽ phải xin nghỉ theo để ở nhà trông nom hoặc nếu có đi đâu chơi cũng phải "cõng" hết đi.
Chị Thanh Thảo ở Quận Hai Bà Trưng- Hà Nội cũng lâm cảnh "toát mồ hôi hột" với lũ trẻ nghỉ Tết: "Tôi mong chờ từng ngày trường mầm non mở cửa đón đứa lớn 4 tuổi đến lớp vì tôi còn phải chăm em bé 8 tháng tuổi nữa". Là một cán bộ của Viện Kinh tế, chị đã phải đón bà nội lên trông cháu từ khi mới sinh đứa thứ hai, nhưng mấy ngày gần Tết và ra Tết, đứa lớn được nghỉ học ở nhà, cả nhà "đánh vật" với 2 đứa con. "Ôsin hẹn ăn rằm xong mới ra"- chị Thảo chán nản nói.
Cũng trong tình trạng luẩn quẩn với 2 đứa trẻ, lớn 8 tuổi, nhỏ 4 tuổi, vợ chồng anh Công Vinh, quận Hoàng Mai, HN phải thay phiên nhau đi chúc Tết. Mồng 4 Tết đã đi làm, nhưng mồng 8 Tết trẻ mới đến trường. Vậy là việc cắt cử nhau trông con của 2 vợ chồng cũng khá căng thẳng. Anh Vinh tâm sự, ngày mồng 5 Tết anh ở nhà trông con trong tình trạng, trời lạnh mà vẫn... "toát mồ hôi". "Mong nhanh đến mồng 8 Tết để các trường học mở cổng nhận trẻ và người lớn còn yên tâm đi làm", anh Vinh phân trần.
Phải đền tiền vì... mang con đi làm
Có lẽ việc con vẫn nghỉ Tết khiến những người buôn bán vất vả và trăn trở hơn cả. Nhiều người nói năm nay mồng 6 Tết là ngày tốt để mở hàng, nhưng chị Thanh Mai, quận Thanh Xuân, HN chuyên bán bánh giò, bánh mỳ còn bận "trông chừng và chăm bẵm 2 ông con vì osin chưa lên Tết. Mồng 10 Tết tôi mới mở cửa hàng được".
Cùng chịu cảnh khốn đốn đến ngày mẹ đi làm nhưng con chưa đi học, chị Nguyễn Thanh Dung, chủ tiệm uốn tóc trên đường Lê Văn Sĩ, TP.HCM, than thở: “Mang theo con ra tiệm thì mẹ không làm được gì. Mà để con ở nhà thì càng không làm việc được. Mấy hôm nay phải cắt cử hẳn một cô phụ việc về trông con”.
Tiệm chị Dung đã khai trương từ mồng 4 Tết và trong những ngày này, hầu hết khách quen đến làm tóc nên chị không dám để các em học việc ra tay. Điều mong ước lúc này của chị Dung là nhanh đến ngày mồng 8 Tết, con gái trở lại trường học để chị rảnh tay tập trung vào việc làm ăn.
“Hai ngày mà đã phải mua 6 món hàng bất đắc dĩ rồi. Nếu thêm vài ngày nữa chắc là… hết tháng lương luôn”, anh Đồng Minh Hải, nhân viên một nhà sách kêu ca. Từ mồng 4 tới nay, anh phải mang cậu con trai 5 tuổi đi làm cùng. Mặc dù vừa làm vừa canh con rất kỹ nhưng cậu bé vẫn táy máy làm hỏng đồ của nhà sách. Món hàng nào con trai nghịch hỏng thì anh buộc phải mua. Chưa hết, sáng mùng 6 Tết, một bạn đồng nghiệp của anh bị sếp trừ điểm vì không tập trung cho công việc mà chỉ tập trung… chơi với trẻ con!
Anh Hải nói: “Vợ có nhiệm vụ chăm sóc con trai 2 tuổi, tôi thì lãnh phần cậu con trai lớn. Phải đến Rằm tháng Giêng thì cô giúp việc mới vào lại. Tình trạng này kéo dài thì tôi mất việc sớm”.
Chị Từ Huê làm nghề cắt móng tay dạo ở khu vực chợ An Đông thì lại có rắc rối khác. Khách hàng kêu chị “khai trương” từ hôm mùng 3 Tết nhưng con gái chị thì được nghỉ học đến tận mùng 8 Tết. Thế là mấy hôm nay đi đến đâu làm việc chị cũng phải mang theo con gái. Chị nói: “Đi bộ được một đoạn là nó lại bắt mẹ bồng vì mỏi chân. Một tay bồng con, một tay xách giỏ đồ nghề, nhìn nhếch nhác thấy thương luôn! Lúc trưa, hai mẹ con ghé một cửa tiệm bán quần áo trên đường Hùng Vương, tôi làm chưa xong bộ móng tay thì con bé ngủ. Không còn cách nào khác là ngồi tám chuyện với chủ cửa hàng cho đến khi con ngủ đủ giấc”.
Chị Huê cũng mong đến ngày con đi học. Chị nói: “Con còn ở nhà ngày nào là tôi vất vả ngày đó. Có nhiều khách hàng ở xa hoặc khách lạ gọi nhưng tôi phải từ chối vì không thể mang con theo đi làm xa được”.
Gửi con cho con hàng xóm
Trong khi ở thành phố "căng thẳng" với chuyện trông con ngày Tết thì ở nông thôn xem ra dễ thở hơn nhiều. Chị Nguyễn Thị Tiến, thôn Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội có con học lớp 3. Đến mùng 8 Tết con chị mới đi học nhưng từ mồng 5 Tết, chị Tiến đã bắt đầu xuống đồng phạt bờ cuốc góc cho hơn 3 sào ruộng đã được cày bừa, chuẩn bị chờ cấy.
“Chồng tôi đi làm ở Hà Nội từ mồng 4 Tết, gia đình không có ông bà nội ngoại nên tôi để cháu ở nhà chơi một mình, chẳng sao cả”, chị Tiến kể.
Ở nông thôn, hầu như cha mẹ học sinh không phải băn khoăn vì chuyện các em chưa nghỉ hết Tết mà không có người trông nom. “Nó học lớp 3, lớn rồi. Trẻ ở nông thôn không như thành phố, cứ thả rông ra đấy nhưng chẳng làm sao”, chị Tiến cười nói tiếp. Rồi chị “bồi” thêm: “Ở nhà chơi, vừa trông nhà lại nấu cơm cho mẹ được”.
“Con tôi 5 tuổi, ông bà nội không có, ông bà ngoại ở xa, để con ở nhà một mình thì không thể yên tâm. Việc đồng áng thì bỏ không được”, chị Hiền, cùng thôn với chị Tiến có hơi lo lắng một tí nhưng cách giải quyết rất ổn thỏa: chị đưa con sang nhờ con chị Tiến trông giúp.
Ở độ tuổi lớn hơn, nếu chưa nghỉ hết Tết thì đây là quãng thời gian lý tưởng để các em phụ giúp gia đình chuyện đồng áng vì ăn Tết xong thì mùa cấy cũng bắt đầu.
Em Nguyễn Thị Liên, học sinh lớp 7 trường THCS xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã cùng mẹ là chị Ngàn ra đồng vơ cỏ từ mùng 4 Tết. “Năm nào cũng vậy, dịp chúng nó nghỉ Tết giúp đỡ gia đình chuyện đồng áng rất nhiều. Ngày thường đi học thì không thể làm được rồi”, chị Ngàn nói.