Đào tạo gắn với nhu cầu xã hội

08:39, 12/03/2009

Sau hơn 2 năm thực hiện điều chỉnh kết cấu chương trình đào tạo thí điểm trong khuôn khổ Dự án giáo dục ĐH Việt Nam - Hà Lan tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Dự án đã mang lại hiệu quả bước đầu, đưa giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp, đáp ứng  tốt hơn nhu cầu của người sử dụng lao động.

Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 2/11/2005 của Chính phủ là đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục đại học ở Việt Nam giai đoạn 2006-2010. Muốn đổi mới nền giáo dục đại  học, yêu cầu đầu tiên đối với các nhà trường chính là cần xác định lại khung chương trình để đào tạo theo hướng nghiên cứu, định hướng nghề nghiệp và ứng dụng. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, trên cơ sở dự án được Chính phủ phê duyệt, 8 ngành thuộc 8 trường ĐH trong toàn quốc, trong đó có ngành Trồng trọt - Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên được Bộ GD - ĐT cho phép linh hoạt điều chỉnh kết cấu chương trình đào tạo thí điểm trong khuôn khổ Dự án giáo dục ĐH Việt Nam - Hà Lan. Sau hơn 2 năm dự án đưc triển khai, đã mang lại hiệu quả bước đầu, đưa giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp, nhằm đáp ứng  tốt hơn nhu cầu của người sử dụng lao động.

 

Theo T.s Ngô Xuân Bình, Phó trưởng Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên: Khoa có 5 chuyên ngành đào tạo, dự án thực hiện trong khuôn khổ chuyên ngành Trồng trọt. Khi Dự án triển khai, nhóm dự án đã tổ chức khảo sát công giới (thị trường lao động, các tổ chức cơ quan tuyển dụng lao động), phân tích nhu cầu thị trường lao động để đánh giá sát “sản phẩm” mà chúng tôi đã đào tạo.

 

Khoa đã tiến hành khảo sát bằng phương pháp phỏng vấn, tổng hợp ý kiến của 116 người thuộc 26 cơ quan chuyên môn, công ty kinh doanh liên quan đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp, cựu sinh viên ngành trồng trọt thuộc 5 tỉnh đại diện các vùng: Sơn La, Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng và Bắc Giang. Kết quả cho thấy, sinh viên tốt nghiệp Khoa Nông học nói chung, ngành Trồng trọt nói riêng chủ yếu hoạt động trên 3 lĩnh vực chính là chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế - xã hội và quản lý hành chính. Những điểm yếu của kỹ sư trồng trọt đó là: Phương pháp tổ chức chỉ đạo sản xuất quy mô lớn, thuyết trình, báo cáo, khả năng nghiên cứu độc lập còn yếu, kiến thức cơ bản không sâu, chưa thường xuyên cập nhật kiến thức mới…

 

Từ việc khảo sát nhóm dự án thấy nổi lên vấn đề đó là cần có sự điều chỉnh chương trình đào tạo. Nếu như chương trình cũ trong 1,5 năm học đầu tiên, sinh viên chủ yếu học các môn khoa học cơ bản, chiếm mất 34,2% tổng số thời gian trong suốt quá trình học đại học, trong đó nhiều môn học không bổ trợ nhiều cho công việc sau này của sinh viên, cô thể môn Vật lý số học trình khá nặng: 6 trình, 90 tiết. Nhóm đã đề nghị cắt bỏ  toàn bộ môn Vật lý trong chương trình  đào  tạo các môn khoa học cơ  bản. Trong khi đó, sinh viên ra trường thiếu khá nhiều kiến thức về phương pháp tiếp cận, viết báo cáo, kiến thức về tin học, ngoại ngữ, kỹ năng thực hành…

 

Trong quá trình xây dựng khung chương trình mới, nhóm dự án đã mời 15 cán bộ đại diện các loại  hình cơ quan tuyển dụng lao động tham gia vào Hội đồng tư vấn công giới nhằm xây dựng và phản biện khung chương trình mới. Đồng thời, cũng là những đơn vị cung cấp địa bàn để sinh viên thực hành thực tập và tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên. Sau hơn 2 năm triển khai dự án, đã có 2 khóa  K39 và K40 được học theo chuyên ngành Trồng trọt theo khung chương trình mới. Cụ thể, ngay từ năm thứ nhất, ngoài các môn khoa học cơ bản, sinh viên được tiếp cận ngay với các môn thuộc chuyên ngành theo hướng từ đơn giản tới phức tạp.

 

Theo T.s Nguyễn Thuý Hà, Phó bộ môn Rau quả: “Tôi rất hài lòng về chương trình mới bởi nếu như cách dạy của chương trình cũ đến năm cuối, sinh viên mới được học cây chuyên khoa, thời gian thực hành ít thì nay năm thứ hai các em đã được tiếp cận với môn này. Phương pháp dạy học có sự đổi mới đã là sinh viên tự xuống đồng quan sát nông dân làm, sau đó các em viết lại quy trình kỹ thuật của nông dân, rồi giáo viên mới đưa cho các em quy trình chuẩn mà giáo viên hướng dẫn. Từ đó các em tiếp cận rất tốt, tăng khả năng chủ động, sáng tạo, làm việc theo nhóm của sinh viên”. Còn theo sinh viên Vũ Chí Công, lớp K39A thì: “Em đã xem qua chương trình cũ để so sánh với chương trình mới và thấy chúng em được tiếp cận sớm hơn về chuyên ngành. Năm thứ nhất chúng em đã được đi thực hành rèn nghề, được tiếp cận sớm với phương pháp viết báo cáo, như vậy giúp chúng em có phương pháp tiếp cận hiệu qủa hơn, nắm chắc kiến thức lý thuyết và đặc biệt là khả năng làm việc thực tế”.

 

Trong quá trình thực hiện Dự án, nhóm dự án đối mặt với rất nhiều khó khăn, đó là việc thay đổi khung chương trình tác động trực tiếp tới cán bộ, giáo viên trong khoa cũng như khoa khác. Ngay trong Khoa có một số môn cắt giảm tiết. Song có lẽ các môn khoa học cơ bản số tiết bị điều  chỉnh giảm nhiều nhất. Bản thân các giảng viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, sự can thiệp của người thầy vào quá trình học tập của sinh viên từ nhiều tới ít dần. Khó khăn là vậy, song với quyết tâm cao, sự đồng thuận trong tập thể Khoa, sự ủng hộ nhiệt tình của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Nhà trường, sau hơn 2 năm thực hiện, Dự án đã mang lại hiệu quả ban đầu đáng khích lệ. Chương trình đào tạo đã có sự điều chỉnh theo hướng gắn với năng lực của sinh viên và  sát với  yêu cầu của thị trường lao động. Sinh viên ra trường được xác định bằng 3 năng lực cơ bản của kỹ sư trồng trọt là: Làm công tác nghiên cứu, khuyến nông và quản lý sản xuất. Từ việc thực hiện Dự án này, tới đây Trường Đại học Nông lâm sẽ thành lập Hội đồng công giới của Nhà trường để trưng cầu ý kiến của công giới tham gia vào quá trình đào tạo, để các “sản phẩm” được đào tạo đáp ứng yêu cầu của xã hội.