Học sinh bị tật khúc xạ gia tăng nhanh

09:06, 03/03/2009

Chúng tôi làm một cuộc khảo sát tại nhiều lớp của các trường từ tiểu học tới THPT về thực trạng tật khúc xạ (bao gồm cận thị, viễn thị, loạn thị) của học sinh (HS) cho thấy tỷ lệ này tăng dần theo từng năm học.

Cụ thể ở lớp 4A1, Trường tiểu học Nguyễn Huệ (T.P Thái Nguyên) năm học 2007-2008 có 4/32 học sinh mắc tật khúc xạ, thì năm học 2008-2009 có thêm 4 học sinh khác bị tật khúc xạ. Đối với Trường THCS Quang Trung qua khám sức khoẻ, năm học 2006-2007 toàn trường có 91/844 HS mắc tật khúc xạ (chiếm 10,7%), thì năm học 2007-2008 con số này tăng lên 114/819 học sinh (13,9%). Con số này ở Trường THCS Chu Văn An còn cao hơn: Qua khảo sát tại lớp 7A5 có 15/47 học sinh cận thị (31,9%), lên tới lớp 9A1 con số này tăng lên 22/48 học sinh (45,8%).

 

Tật khúc xạ học đường có xu hướng gia tăng và là một gánh nặng cho gia đình và xã hội, bởi nó ảnh hưởng tới sức khỏe, việc học tập của các em HS. Có nhiều yếu tố là nguy cơ gây nên tật khúc xạ học đường, đầu tiên phải kể đến đó là nguồn sáng phục vụ học tập không đảm bảo. Qua khảo sát tại các trường kể trên về hệ thống chiếu sáng lớp học, cán bộ quản lý các nhà trường đều cho rằng khi xây dựng phòng học, hệ thống chiếu sáng cũng được thiết kế theo. Cảm nhận bằng mắt thường, hệ thống đèn như vậy là đảm bảo. Tuy nhiên, các đơn vị cũng không biết như vậy đã đảm bảo theo đúng các tiêu chuẩn quy định hay không. Ngoài ánh sáng các phòng học không đảm bảo, bản thân nhiều gia đình ở khu vực thành phố xây dựng nhà ống cũng rất thiếu ánh sáng.

 

Theo kết quả Đề tài cấp bộ "Nghiên cứu thực trạng tật khúc xạ học đường tại tỉnh Thái Nguyên" do Th.s Vũ Quang Dũng, Bộ môn Mắt Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên làm chủ đề tài vừa hoàn thành thì trong 6 yếu tố nguy cơ liên quan đến tật khúc xạ học đường có 1 nguyên nhân dẫn đến nhiều em HS bị tật khúc xạ do có thời gian học tập trên hoặc bằng 9h/ngày. Một nguyên nhân nữa dẫn tới tình trạng tỷ lệ cận thị học đường ra tăng đó là tư thế ngồi học của các em không đúng, nhiều em có thói quen nằm học, chơi điện tử nhiều... Để giảm tỷ lệ học sinh bị mắc các bệnh về tật khúc xạ, bên cạnh việc nhắc nhở HS ngồi đúng tư thế, nhiều trường còn tổ chức đảo vị trí ngồi của các em. Có một thực tế là nhiều học sinh bị cận thị nhưng lại không đeo kính. Theo Th.s Ninh Sỹ Quỳnh, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên: "Đó chính là quan niệm sai lầm của nhiều bậc phụ huynh và các em HS. Nhiều phụ huynh khi đưa con đến khám phát hiện cận thị đã đề nghị bác sĩ làm thế nào để con không phải đeo kính. Mà họ không hiểu khi cận thị, trụ nhãn cầu xa hơn người bình thường, việc đeo kính giúp điều chỉnh hình ảnh lại gần hơn". Ngoài những nguyên nhân kể trên, phải kể đến chế độ dinh dưỡng. Cũng theo Th.s Ninh Sỹ Quỳnh: "Nhiều gia đình cho con ăn chế độ dinh dưỡng không hợp lý, lệch chất, vì chiều theo sở thích của các cháu nên có cháu chỉ ăn thịt nạc và rau xanh, thiếu chất mỡ, làm giảm hấp thụ Vitamin A cho võng mạc". Một nguyên nhân không kém phần quan trọng là hệ thống bàn ghế của học sinh ở hầu hết các trường không phù hợp. Theo báo cáo đề tài khoa học đã nêu ở trên, qua nghiên cứu ở 16 trường tiểu học, THCS, THPT trong toàn tỉnh cho thấy, ở một số trường khối tiểu học sử dụng bàn và ghế quá cao, hệ số chiều cao bàn vượt tiêu chuẩn từ 9-9,50cm.

 

Để phòng và chống các bệnh về tật khúc xạ cho học sinh, ngoài tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe học đường cho mọi người, nhất là cán bộ, giáo viên, cha mẹ HS và HS để họ có nhận thức và thái độ đúng trong việc thực hiện vệ sinh học tập, hạn chế các thói quen xấu không phù hợp như: Tư thế ngồi học không đúng, hay chơi điện tử kéo dài, không chịu luyện tập thể dục thể thao. Đồng thời các nhà trường cần tiếp tục củng cố và tăng cường đầu tư cho công tác y tế học đường, nhằm phát hiện và can thiệp sớm đối với những HS mắc các bệnh về tật khúc xạ. Khi xây dựng mới các trường học, ngành Giáo dục và các nhà trường cần quan tâm thực hiện tốt các yêu cầu quy định về chiếu sáng tự nhiên. Bàn ghế phải phù hợp với tầm vóc của HS; luôn uốn nắn tư thế ngồi học đúng cho HS, khoảng cách từ mắt tới vở từ 25-30cm. Ở gia đình cần bố trí góc học tập cho các em gần cửa sổ để tận dụng ánh sáng tự nhiên, buổi tối cần có đèn đủ ánh sáng. Áp dụng chế độ học tập khoa học, tránh ép con em học quá nhiều, học liên tục trong nhiều giờ, có chế độ luyện tập thể thao và dinh dưỡng hợp lý…