Trong thời kỳ hội nhập, trước nhu cầu hiểu biết rất lớn và phong phú của con người, việc cung cấp đơn thuần cho người học một lượng kiến thức khổng lồ trong học đường không còn thích hợp.
Con người không thể tích lũy ngay từ tuổi thanh niên một khối lượng tri thức đầy đủ để rồi cứ thế dùng mãi suốt đời mà phải tiếp tục câp nhật tri thức trong cuộc sống, đào sâu suy nghĩ để làm phong phú thêm những tri thức ban đầu học được trong nhà trường, từ đó có thể thích ứng được với cuộc sống đang biến đổi nhanh chóng. Để đáp ứng được điều đó, việc Học của mỗi con người cần phải được đặt ra trên cơ sở học thường xuyên và học suốt đời.
Mục tiêu nền tảng của giáo dục thế kỷ XXI được đặt ra trên 4 mặt cơ bản, đó là: Học để biết (tức là nắm được công cụ của sự nhận thức); học để làm (để có thể tác động lên môi trường sống của mình một cách chủ động); học để cùng chung sống và hòa nhập (tham gia vào các mối quan hệ xã hội và cộng tác với người khác trong các hoạt động); học để tồn tại, để phát triển (là con đường chủ yếu để thâm nhập vào 3 mục tiêu trên).
Ngày nay, học để biết có nghĩa rộng hơn là học một hệ thống tri thức nhất định, không phải chỉ học tri thức mà phải học cả phương pháp học và cách tư duy, cách phát triển trí tuệ. Nhờ có việc học mà con người hiểu được thế giới xung quanh mình, từ đơn giản tới phức tạp, từ quá khứ đến hiện đại để có thể chủ động kế tục sự nghiệp của các thế hệ đi trước, vững bước tới tương lai. Bởi vậy, người học cần phải tạo cho mình sự hứng thú, ý chí và năng lực tự học suốt đời. Học tập suốt đời không chỉ đơn giản là một khẩu hiệu để khuyến khích sự tiếp tục học tập, mà đây chính là sự đổi mới trong nhận thức về học tập thời kỳ hội nhập.
Học không chỉ dừng lại ở mức độ tay nghề, kỹ năng nghề mà còn hình thành cho con người năng lực thực hành đáp ứng sự biến động liên tục của công nghệ và kỹ thuật. Trong thời kỳ đổi mới, sản xuất ở trình độ công nghệ cao đòi hỏi những kỹ năng trí tuệ kết hợp với kỹ năng ứng xử để công việc đạt hiệu quả. Người lao động phải học để có được các kỹ năng giao tiếp, ứng xử, các phẩm chất nhân văn, thiết lập những mối quan hệ bền vững trong xã hội.
Học còn giúp cho mỗi người biết chung sống trong cộng đồng, biết mình ở vị trí, thứ bậc nào trong các mối quan hệ xã hội để hiểu mình, hiểu người và hướng tới mục tiêu chung. Học để chung sống sẽ làm cho con người không chỉ có ý thức về trách nhiệm, quyền lợi của một công dân mà còn trở thành một thành viên tích cực của xã hội. Muốn biết chung sống, mỗi người phải có trí thức, phải có cảm xúc và sự nhạy cảm để tạo nên giá trị trong các mối quan hệ xã hội; phải có lòng tự trọng, biết lắng nghe người khác, biết đời sống cộng đồng. Học để chung sống không phải là một môn học bổ sung vào chương trình, mà là một khái niệm cần quán triệt trong hệ thống giáo dục.
Học còn góp phần vào sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân trên tất cả các mặt đức, trí, lao, thể, mỹ. Thông qua việc học, hình thành tính chủ động, độc lập, sáng tạo để có thể tự xác định mình phải làm gì trong những hoàn cảnh khác nhau. Học giúp cho mỗi người có thể làm chủ số phận, tự quyết định và tự gánh vác trách nhiệm của mình. Như vậy, học là để phát triển mọi tiềm năng sáng tạo của con người chứ không phải học chỉ để biết, để làm. Muốn vậy cần phải có cách học thông minh, hiệu quả, thiết thực, tránh lối học nhồi nhét, ép học.
Hiện nay ngành Giáo dục đã và đang tiến hành đổi mới cả về quy mô, chương trình và phương pháp đào tạo. Thực hiện nghị quyết của Đảng, việc đào tạo liên thông, đào tạo theo tín chỉ, đào tạo từ xa…; vấn đề đa dạng hóa các loại hình đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội được quan tâm. Những năm gần đây, Cuộc vận động "Hai không" với 4 nội dung được triển khai sâu rộng đã làm cho ý thức học tập và rèn luyện của mỗi người được nâng lên. Phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã tạo nên môi trường học tập thuận lợi cho người học. Hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp ở tất cả các địa phương. Trên địa bàn tỉnh, 180 trung tâm học tập cộng đồng của tất cả các xã, phường, thị trấn đã được thành lập và đi vào hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở mọi lưới tuổi có thể lựa chọn và theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngay tại địa phương theo nhu cầu, khả năng và điều kiện của mình.
Có thể nói, những năm đầu của thế kỷ XXI, nhận thức về việc Học của mỗi người đã có nhiều đổi mới phù hợp với xu thế của thời đại. Muốn trở thành con người năng động, sáng tạo, cống hiến được nhiều cho đất nước thì cần học cách Học, học cách tư duy, học cách ứng xử theo 4 mục tiêu trên.