Những ngành học mới mà sinh viên sau khi tốt nghiệp "đắt hàng" thường là những ngành mở ra để đáp ứng nhu cầu xã hội, cho thấy sự linh hoạt, nhạy bén của các ĐH, CĐ trong cơ chế thị trường.
Quản trị bệnh viện
Hiện chỉ có ĐH Hùng Vương đào tạo ngành Quản trị bệnh viện. Năm 2000, khoảng 70 sinh viên (SV) khóa đầu tiên đều tìm được việc làm ngay sau khi ra trường.
Đến nay, có khoảng 500 SV tốt nghiệp ngành này và 100% có việc làm. Bà Nguyễn Thị Mai Bình, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết: “Gần đây, nhiều bệnh viện yêu cầu trường cung cấp nhân sự ngành này, nhưng chúng tôi chưa đáp ứng hết”.
Theo ông Minh Hiếu, trợ lý khoa Quản trị bệnh viện, ĐH Hùng Vương, SV tốt nghiệp ngành Quản trị bệnh viện am hiểu thuật ngữ y tế, nắm rõ hoạt động của từng bộ phận trong bệnh viện nên khi ra trường có thể làm ngay, không cần trang bị gì thêm. Trong khi, cũng tốt nghiệp ngành quản trị, SV quản trị kinh doanh muốn làm quản trị trong bệnh viện thì cần có thời gian thích nghi, thích ứng với thuật ngữ, các bộ phận, cách điều hành..
Mùa tuyển sinh năm nay, có thêm ĐH Thăng Long (Hà Nội) mở chuyên ngành Quản trị bệnh viện.
Quản trị logistic và vận tải đa phương thức
Bà Đào Thanh Vân, Trưởng khoa Kinh tế vận tải, ĐH Giao thông - Vận tải TP HCM, cho biết, ngành học này trang bị cho SV kiến thức và khả năng tổ chức, quản lý, kinh doanh khai thác các dịch vụ về logistic và vận tải đa phương thức như: phân phối, kho vận, dịch vụ khách hàng, quản trị chiến lược của doanh nghiệp vận tải, nghiệp vụ kinh doanh quốc tế, phân tích và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Nhiều doanh nghiệp vận tải biển đang khát nhân lực ngành này.
Luật tài chính - ngân hàng - chứng khoán
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó trưởng Khoa kinh tế, ĐH Quốc gia TP HCM, ngành học này cung cấp các kiến thức chuyên sâu về pháp luật nói chung và luật tài chính, ngân hàng, chứng khoán nói riêng.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; công ty chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng thương mại; cơ quan quản lý nhà nước, các quỹ đầu tư tài chính nước ngoài…
Năm nay, Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TP HCM) có 100 chỉ tiêu cho ngành này.
Đô thị học
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Mỹ Lan, Phó bộ môn Đô thị học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM, ngành đô thị học trang bị kiến thức chuyên môn về đô thị, xây dựng, đánh giá và thẩm định dự án ở các cấp độ khác nhau.
Người tốt nghiệp ngành này có thể tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách của đô thị hiện đại, đảm nhiệm việc tư vấn điều phối, quy hoạch kinh tế - xã hội, thiết kế và xây dựng chính sách, thẩm định và đánh giá các dự án có liên quan đến việc phát triển đô thị… Đây là công việc cần thiết ở các cấp quản lý hành chính, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, tổ chức phát triển quốc tế, tổ chức phi chính phủ quốc tế…
Thạc sĩ Mỹ Lan cho biết: “Trường đã khảo sát các ban ngành về đô thị, ban quản lý dự án quận huyện và thấy nhân viên những nơi đó phần lớn học các ngành khác. Vì thế, nhu cầu đối với ngành đô thị học sẽ lớn”.
Hệ thống thông tin địa lý
ĐH Nông Lâm TP HCM đào tạo ngành Hệ thống thông tin địa lý có tính chất liên ngành: địa lý, công nghệ thông tin, toán ứng dụng, tài nguyên thiên nhiên...
SV khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các sở khoa học - công nghệ, tài nguyên - môi trường, nông nghiệp - phát triển nông thôn, chi cục kiểm lâm, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển; các viện nghiên cứu, công ty, doanh nghiệp khoa học công nghệ…