Xây dựng đội ngũ trí thức

10:15, 06/03/2009

Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (Khóa X) đã ban hành ba nghị quyết, trong đó có một nghị quyết về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước. Ðây là một văn kiện quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Nghị quyết số 27-NQ/T.Ư về Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước nêu rõ: Trí thức được xác định là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội.

 

Với nội hàm của khái niệm trí thức như vậy, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã có những đánh giá cao về sự đóng góp của trí thức vào việc xây dựng luận cứ khoa học cho công tác hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ con đường phát triển của đất nước và giải đáp nhiều vấn đề phát sinh trong sự nghiệp đổi mới.

 

Nghị quyết cũng đề cập sự đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức trong các lĩnh vực quản lý xã hội, khoa học và công nghệ (KH và CN), an ninh - quốc phòng, sản xuất kinh doanh. Mặt khác, nghị quyết cũng nêu lên những yếu kém của đội ngũ trí thức hiện nay, như trong khoa học xã hội còn thiếu năng lực dự báo và định hướng, nhiều công trình còn có tính sao chép; trong khoa học công nghệ còn ít những sáng chế được đăng ký quốc tế; trong văn học - nghệ thuật còn ít giá trị xứng tầm với những thành tựu phát triển của đất nước. Về sự lãnh đạo của Ðảng, Trung ương Ðảng cho rằng, hệ thống chính sách về trí thức hiện nay vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ và chưa phù hợp, các tổ chức hội chưa đủ mạnh để tập hợp trí thức, việc đánh giá và sử dụng trí thức còn nhiều điểm không hợp lý...

 

Sau khi có những nhận xét và đánh giá nói trên, Trung ương Ðảng đã tự phê bình một cách nghiêm khắc: "Những hạn chế, khuyết điểm trên là do sự yếu kém của một số cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện công tác trí thức; sự thiếu đồng bộ của hành lang pháp lý bảo đảm môi trường dân chủ cho các hoạt động sáng tạo; những định kiến và chủ nghĩa kinh nghiệm trong một bộ phận cán bộ đã dẫn đến thái độ thiếu tin tưởng, thiếu dân chủ trong quan hệ với trí thức, thậm chí xem thường trí thức".

 

Nghiên cứu kỹ Nghị quyết số 27-NQ/T.Ư, tôi thấy có nhiều điều tâm đắc. Tuy nhiên, qua nhiều năm nghiên cứu về đội ngũ trí thức,  kinh tế tri thức và yêu cầu của nó với nguồn nhân lực chất lượng cao, về hội nhập quốc tế và việc đào tạo trí thức ở Việt Nam, tôi muốn bày tỏ một vài ý kiến như sau:

 

Thứ nhất, cơ cấu đội ngũ trí thức có nhiều lớp khác nhau, trong đó, đáng kể nhất là những trí thức đang đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp và tổ chức lực lượng nghiên cứu và sáng tạo cũng như trong đào tạo đội ngũ kế cận. Họ là những trí thức đầu ngành, có vai trò quyết định hướng đi của KH và CN, văn học - nghệ thuật, sản xuất kinh doanh... Với họ, chúng ta cần hiểu đây là những vốn quý, là tài năng của quốc gia. Sự đánh đồng những người có học vấn đại học, có một số đóng góp nào đó với những tài năng là chưa hợp lý về chính sách, nhất là chính sách sử dụng và đãi ngộ.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), về việc tìm kiếm người tài đức ra giúp nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận".

 

 

Ðọc những dòng chữ này, những người dân bình thường cũng thấy xúc động. Do vậy, đề nghị Ðảng và Nhà nước nên có chính sách riêng với những trí thức đầu ngành, không nên đánh đồng họ với những lớp đàn em, những lớp học trò của họ trong một chính sách chung.

 

Thứ hai, với tầng lớp trí thức, việc tập hợp và tổ chức đội ngũ không gì hay bằng phải có chính sách và cơ chế cần thiết để họ thực hiện được những chức năng cơ bản sau đây:

 

Chức năng bảo vệ, duy trì, phát huy và phát triển văn hóa

Hội nghị Trung ương 5 (Khóa VII) của Ðảng đã khẳng định rất rõ vai trò của trí thức đối với sự phát triển văn hóa. Ðây là một chức năng rất đặc thù của trí thức. Ở quốc gia nào cũng vậy, sự phát triển văn hóa không thể thiếu vai trò quan trọng của những người lao động trí tuệ này.

 

Chức năng phản biện xã hội

 

Do trình độ học vấn được nâng cao, nắm bắt được những thông tin trong nước và trên thế giới một cách mau lẹ, luôn được cập nhật những tri thức mới, sớm tiếp cận với những thành tựu KH và CN mới mà trí thức thường hay đề xuất những ý kiến, những quan điểm của mình đối với những gì đã trở nên lỗi thời trong xã hội.

 

Chức năng đào tạo đội ngũ trí thức kế cận, bồi dưỡng nhân tài

 

Từ xưa tới nay, những nhà hiền triết, bậc học giả và những nghệ nhân... thường có những môn đệ của mình. Ðó là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển, tương lai của đất nước.

 

Chức năng đào tạo của trí thức càng cần được nhấn mạnh trong điều kiện chúng ta còn thiếu nhiều người tài đức. Cuộc cách mạng KH và CN hiện đại đang có những bước phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế tri thức đang từng bước hình thành, sự nghiệp CNH, HÐH đất nước đang được đẩy mạnh, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang lôi cuốn nhiều quốc gia vào những hoạt động chung. Tất cả những sự kiện đó đều đòi hỏi đất nước phải có nhiều nhân tài. Những quốc gia nào chỉ dựa vào nguồn lao động trình độ thấp và trông chờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên không thôi sẽ bị tụt hậu ngày càng xa trước sự phát triển vũ bão của thế giới.

 

Chức năng xã hội

 

Chính sách đối với chức năng xã hội của trí thức trước hết là ở việc khuyến khích và tạo điều kiện cho các hội văn học, hội nghệ thuật, hội giáo dục phát triển. Những hoạt động mang tính nghiệp đoàn của các tổ chức trí thức không chỉ làm phát triển chuyên môn, nghiệp vụ mà còn góp phần không nhỏ vào các cuộc vận động như xóa đói, giảm nghèo, chống tái mù chữ, cải thiện môi trường sống, xây dựng đường phố văn minh, phòng ngừa các dịch bệnh... Trí thức tham gia nghị trường và công tác quản lý xã hội sẽ làm tăng năng lực hoạt động điều hành và quản lý xã hội của Nhà nước.

 

Trí thức luôn là vấn đề của thời đại. Ở những giai đoạn lịch sử khác nhau, đội ngũ trí thức trong xã hội có những khác nhau về trình độ học vấn, cơ cấu nghề nghiệp cũng như tư tưởng - chính trị..., nhưng dù khác nhau ở mức độ nào chăng nữa thì điểm đặc trưng của đội ngũ này trong mọi thời đại vẫn là: Ðại diện cho trí tuệ đương thời, cho đỉnh cao học vấn của xã hội, cho trình độ lao động trí óc. Trí thức có sứ mạng phổ biến, duy trì, phát triển văn hóa của dân tộc nói riêng và nhân dân nói chung.