Bộ Chính trị yêu cầu cải cách giáo dục từ 2011

14:08, 21/04/2009

 Cải cách giáo dục, xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 để trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và hoàn chỉnh Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ thực hiện.

Đây là những nội dung trong thông báo kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa 8, phương hướng phát triển GD-ĐT đến năm 2020 vừa được ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị ký ngày 15/4. 

 

Theo đó, Bộ Chính trị giao ban cán sự đảng Chính phủ thực hiện chủ trương về cái cách giáo dục trong các Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành TW lần thứ tư, bảy và chín (khóa 10), xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn này, trình tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI (diễn ra vào năm 2011) và hoàn chỉnh đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

Theo kết luận này, trong thời gian qua, GD-ĐT chưa thực sự là quốc sách hàng đầu khi còn nhiều nội dung chưa đạt được yêu cầu phát triển của đất nước.

 

Từ đó, Bộ Chính trị chỉ đạo 7 nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đến năm 2020 như: nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho HS, SV, mở rộng quy mô giáo dục hợp lý; đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với GD-ĐT; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng...

 

Đối với đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục, Bộ Chính trị yêu cầu, tăng đầu tư nhà nước cho GD-ĐT.

 

Đổi mới cơ chế để góp phần nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và đảm bảo công bằng trong giáo dục.

 

Giải pháp nêu rõ, thực hiện chế độ học bổng, học phí và hỗ trợ học tập theo hướng học phí ở mầm non, THCS, THPT phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư và hoàn cảnh hộ gia đình; ở giáo dục nghề nghiệp và ĐH thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ chi phí đào tạo giữa nhà nước và người học.

 

Đồng thời, thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho HS, SV các gia đình chính sách, hộ nghèo và chế độ cho vay để học.

 

Những nhiệm vụ này, Bộ Chính trị đã giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, cùng với Ban cán sự đảng Bộ GD-ĐT làm đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc.