Sau khi chọn được ngành học hợp với khả năng, nhiều sĩ tử còn phải tính toán, cân đối cả điều kiện tài chính của gia đình rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng. Nhưng cách công khai học phí không đồng nhất về đơn vị của các trường ngoài công lập hiện nay khiến nhiều học sinh và phụ huynh bị “nhiễu” thông tin.
Chọn trường, chọn ngành, chọn cả học phí
Năm nay, Nguyễn Thanh Hương, học sinh lớp 12 trường THPT Mỹ Đức B (TP Hà Nội) dự định thi vào ngành Công nghệ thông tin của một trong hai trường dân lập: ĐH Thăng Long, ĐH Phương Đông. Do sức học không được tốt, nên Hương không dám thi vào các trường công lập.
Tuy nhiên, Hương cũng chưa yên tâm vì điều kiện gia đình không thuộc loại khá giả, trong khi đó, học Công nghệ thông tin sẽ tốn kém hơn các ngành khác. “Biết là học ở chỗ học phí cao, có khi chất lượng cũng sẽ cao. Nhưng nếu cao quá, gia đình em cũng không thể theo được”, Hương tính toán.
Lo lắng của Hương cũng là điều dễ hiểu, vì một sinh viên phải ăn, học trong suốt 4-5 năm trời.
Chu Thị Hà, một thí sinh tự do hiện đang ôn thi tại Hà Nội cũng băn khoăn: “Học phí là mối quan tâm hàng đầu của cha mẹ em. Mọi người trong gia đình đều mong em chọn những nơi vừa sức để gia đình có thể trang trải cho cả 3 anh em ăn học”.
“Cùng một ngành, nhưng em sẽ ưu tiên nơi nào có học phí thấp. Học trong tâm trạng luôn lo lắng, áp lực vì học phí cao sẽ không bằng học ở một nơi mình có thể yên tâm theo đuổi trọn vẹn”, Hà nói.
Năm ngoái, khi thi ĐH Thương mại không đỗ, bố mẹ đã muốn Hà xuống học cao đẳng hoặc trung cấp, hệ công lập để học phí không thể tăng nhiều như các trường dân lập. Nhưng vì ước mơ được học ĐH nên Hà vẫn tiếp tục theo đuổi.
Trong khi đó, với Phan Văn Hiếu, thí sinh tự do đến từ Hà
Thí sinh khó so sánh
Đứng trước nhiều sự lựa chọn, khả năng có hạn và thời gian không cho phép, Hiếu đã lọc ra các trường ngoài công lập có ngành Quản trị kinh doanh. Song đến yếu tố học phí, Hiếu khá băn khoăn.
“Các trường có ghi trong cuốn những điều cần biết về mức học phí tối thiểu – tối đa, nhưng không ghi rõ từng ngành. Ví dụ như ĐH Phương Đông chỉ ghi là “tùy từng ngành”, rất khó cho chúng em”.
Còn Hà thì băn khoăn: “Em không biết thế nào là tín chỉ, nó khác gì học thông thường. Nếu đóng tiền theo tín chỉ thì tổng mức học phí cho khóa học của em liệu có cao hơn so với kiểu học bình thường không?”, Hà thăc mắc.
Theo ông Vũ Phán, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông thì: “Việc công khai học phí để học sinh có thể so sánh xem trường nào đắt, trường nào rẻ rồi mới quyết định thi và học”.
Thế nhưng, ông Phán không đồng tình với cách công khai học phí hiện nay của các trường ngoài công lập: “Trong báo cáo gửi Bộ Giáo dục – Đào tạo, có trường ghi là thu theo tháng, có trường thu theo năm, theo khóa, theo kì, hoặc thu theo tín chỉ; lại có nơi thu tiền đô, có nơi thu tiền Việt; có nơi tính 10 tháng, nhưng có nơi tính cả học hè, học kì 3, v.v…Tất cả không theo đơn vị nào, về mặt thống kê thì không thể so sánh được”.
Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục-Đào tạo) cho biết: “Không thể bắt trường đào tạo theo tín chỉ công bố học phí như trường đào tạo theo niên chế (tính học phí theo tháng, theo kì). Nếu học sinh muốn so sánh thì không khó, có thể xem trường đào tạo một khóa bao nhiêu tín chỉ, nhân với giá tiền sẽ ra học phí cả khóa. Sau đó đem so với các trường đào tạo theo niên chế là sẽ chọn được nơi có mức học phí phù hợp”.