Dạy nghề học sinh phổ thông: Nhu cầu và thực tế

07:51, 15/04/2009

Quy định của Bộ GD - ĐT về chương trình dạy nghề cho học sinh phổ thông là đối với bậc THCS 70 tiết, bậc THPT 105 tiết/năm học, các trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp (TTKTTHHN) đảm nhiệm việc này. Nhưng qua việc triển khai dạy nghề cho học sinh phổ thông trong những năm qua trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ nhiều hạn chế giữa nhu cầu của học sinh và thực tế giảng dạy.

Theo đồng chí Ngô Tuấn Tăng, Giám đốc TTKTTHHN tỉnh: " Hiện nay, Trung tâm đảm nhiệm dạy nghề phổ thông cho 25 trường THCS, THPT thuộc địa bàn T.P Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ với 150 lớp, gần 3.000 học sinh. Trên thực tế, Trung tâm phải định hướng cho các nhà trường trong việc chọn nghề để học, chứ cứ để học sinh tự đăng ký học nghề sẽ tản mạn, mà bản thân Trung tâm cũng không đáp ứng được. Vì thế, thường thì trong mỗi một năm học cả trường chọn học 1 nghề và học sinh cả trường theo học. Hầu hết các trường đều có phòng máy vi tính, chúng tôi định hướng cho nhà trường cho các em học tin học và Trung tâm mượn phòng máy đó giảng dạy luôn cho học sinh". Nói như vậy để thấy, nhiều học sinh muốn đăng ký học nghề mà mình thích là rất khó. Bởi nếu số lượng ít học sinh đăng ký học 1 nghề thì Trung tâm khó bố trí giáo viên dạy. Chưa kể có một số trường ở xa Trung tâm, môn học liên quan tới máy móc thiết bị không thể vận chuyển được (ví dụ như nghề may thì không thể mang máy khâu sang tận đơn vị giảng dạy được).

 

Bên cạnh nhu cầu học tập của học sinh và khả năng đáp ứng thực tế của các trung tâm KTTHHN còn "vênh" nhau thì ý nghĩa của việc tổ chức học nghề cũng chưa được phụ huynh và các em học sinh nhìn nhận đúng mức. Nhiều phụ huynh có suy nghĩ học nghề phổ thông chỉ là môn cộng điểm, nên trong cách suy nghĩ và giáo dục con về học nghề cũng coi nhẹ. Vì thế, ý thức học nghề của một số học sinh rất kém.

 

Khó khăn về cơ sở vật chất, phương tiện giảng dạy là thực trạng chung của các trung tâm KTTHHN trong toàn tỉnh. Tại Trung tâm KTTHHN T.P Thái Nguyên,ông  Nguyễn Đình Hoài, Giám đốc Trung tâm cho biết: "Theo quy định thì phải có phòng học lý thuyết riêng, thực hành riêng, nhưng phần lớn các phòng học hiện nay của Trung tâm đều chắp vá. Phòng máy vi tính với trên 20 bộ máy thì quá 2/3 là đã hỏng không sử dụng được. Các nghề khác đang dạy cho học sinh phổ thông thiết bị gặp phải tình trạng cũ, không đồng bộ. Bản thân học sinh học nghề muốn tìm các tài liệu tham khảo cũng không có bởi Trung tâm không có thư viện… Đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh".

 

Trong chương trình giáo dục phổ thông, hoạt động dạy nghề được coi là hoạt động chính khóa, bắt buộc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay giữa nhu cầu của người học và khả năng đáp ứng của các TTKTTHHN vẫn còn một khoảng cách. Nguyên nhân chính là điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất của các Trung tâm KTTHHN chưa đáp ứng được. Các TTKTTHHN đang rất cần sự quan tâm đầu tư hơn nữa từ phía đơn vị chủ quản là ngành GD-ĐT trong việc xây dựng các dự án, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Đồng thời, trong điều kiện hiện nay, bản thân các Trung tâm cũng cần nỗ lực khắc phục những khó khăn trước mắt để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh. Qua đó từng bước xóa bỏ quan niệm việc học nghề phổ thông là "phao cứu sinh" cho những học sinh lười để vượt qua các kỳ thi tốt nghiệp, mà đây thực sự là hoạt động định hướng nghề nghiệp cho các em trong tương lai.